Việt Nam nên có Đặc khu quốc tế ngân hàng và tài chính
Theo TS Vũ Giản, các lĩnh vực như dịch vụ, thị trường tài chính, tín dụng, ngân hàng của Việt Nam hiện vẫn còn tụt hậu so với tiêu chuẩn quốc tế.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, Trung Quốc đã cho vận hành Khu thương mại tự do Thượng Hải, nơi đồng nhân dân tệ được tự do chuyển đổi theo lãi suất thị trường, từ cuối tháng 9 vừa qua - một quyết định quan trọng trong tiến trình cải cách và mở cửa ở Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Vũ Giản hiện đang ở Thụy Sĩ cho rằng đặc khu Thượng Hải của Trung Quốc có điểm giống với đề xuất thành lập "Đặc khu kinh tế và tài chính ngoại biên" mà ông đã đưa ra ý tưởng từ năm 2006 và được đăng trong Tuyển tập "100 ý kiến Kiều bào cho TP Hồ Chí Minh" do Nhà xuất bản Văn hóa phát hành năm 2007.
Theo TS Vũ Giản, các lĩnh vực như dịch vụ, thị trường tài chính, tín dụng, ngân hàng của Việt Nam hiện vẫn còn tụt hậu so với tiêu chuẩn quốc tế. Các ngân hàng Việt Nam đã theo "phong trào" phát hành thẻ, nhưng thực tế hơn 70% các giao dịch của khách hàng trên máy ATM hiện nay chỉ là để rút tiền. Thậm chí có người không dùng thẻ để trả tiền tại quầy khi mua bán hàng hóa ở nơi có đặt máy "quẹt thẻ". Đấy chỉ là một ví dụ về đầu tư theo phong trào mà chưa tránh được tụt hậu.
Việt Nam cần phải tự đánh giá lợi thế so sánh của mình để xác định một vài ngành kinh tế mũi nhọn trong kế hoạch phát triển định kỳ, như Thái Lan đang hướng tới công nghiệp sản xuất xe hơi, và Singapore đã nhắm vào kế hoạch phát triển các trung tâm ngân hàng. Việt Nam đã có nhiều khu "kinh tế mở" như Chu Lai, Dung Quất, Văn Phong, nhưng vẫn thiếu một "Đặc khu quốc tế ngân hàng và tài chính".
Thể chế tổng quát của "Đặc khu Quốc tế Ngoại biên ngân hàng và tài chính" bao gồm: Thứ nhất: Tài khoản ngân hàng được mở tự do bằng những loại tiền quan trọng nhất thế giới, và tiền sở tại. Tiền lời của ngân khoản không bị đánh thuế; Thứ hai: Tín dụng cũng được vay bằng đủ loại tiền của thế giới; Thứ ba: Tất cả các dịch vụ ngân hàng và tài chính tiên tiến nhất thế giới, với phí tổn thấp hơn là ở ngoài phạm vi của Đặc khu; Thứ tư: Hối đoái hoàn toàn tự do cho tiền sở tại và tất cả các loại tiền quan trọng trên thế giới.
Như vậy, điều kiện khó đối với Việt Nam để mở một "Đặc khu Quốc tế Ngân hàng và Tài chính" là đồng tiền lưu thông trong một đặc khu phải được hoàn toàn tự do hối đoái, nghĩa là được chuyển đổi không bị giới hạn ra tiền các nước khác. Vậy đồng tiền Việt Nam phải giải quyết ra sao trong vấn đề quan trọng này?
Khi bàn về tương lai một đồng tiền chung cho các nước trong khối ASEAN, thì thấy còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng còn một mô hình khác là hai hay nhiều nước ASEAN có thể ký kết dùng các đồng tiền nội bộ của nhau như là đồng tiền chung có giá trị tương đương. Mô hình này thiết thực hơn, mà có thể áp dụng ngay với một số nước ASEAN để thuận lợi trao đổi thương mại, và tạo động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu qua các nước thứ ba khác.
Hiện nay Brunei và Singapore là hai nước đầu tiên đã áp dụng khá hiệu quả mô hình này trong việc thanh toán giao dịch và trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu. Trung Quốc và Nhật Bản cũng tiếp tục để chung một "rổ" tiền nhân dân tệ và yên, để tiện việc trao đổi thương mại và tránh cho hai đồng tiền này phải trao đổi lấy đồng USD làm trung gian.
Phần nhiều các nước trên thế giới đều mở những đặc khu trên "địa đầu đất nước" (như Lubuan của Monaco), hay trên đảo (như đảo biển Manche ở giữa Pháp và Anh). Việt Nam có thể chọn đảo Phú Quốc hoặc một khu vực phía nam TP Hồ Chí Minh vì ở đây có các khu đô thị mới gồm nhiều tổ chức quốc tế, nhiều Việt kiều và người nước ngoài - những người biết sử dụng những dịch vụ ngân hàng và tài chính tiên tiến nhất.
Theo tiến sĩ Giản, đặc khu của Việt Nam sẽ có nhiều lợi điểm so với Singapore và Lubuan, vì Việt Nam ở trên thềm lục địa châu Á và ở ngay trung tâm Đông Nam Á.
Theo Tố Uyên