MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

20-03-2016 - 21:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhật Bản Mizuho sẽ giữ cổ phần ít nhất tại mức 15% đồng thời chuẩn bị thực hiện đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10% trong thời gian tới và hiện đang xem xét khả năng nâng tỷ lệ này lên 20%.

Mới đây, tại cuộc họp với giới phân tích, bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã: VCB) cho biết trong 2 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 1,8%, so với mức 0,2% cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 900 tỷ đồng. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) 2 tháng đầu năm 2016 được cho là cải thiện nhẹ.

Trong khi đó, mục tiêu cả năm 2016 ngân hàng đề ra cho vay khách hàng tăng 17% so với mức 19,7% năm 2015, NIM tăng lên 2,65% từ mức 2,58% năm 2015, chi phí dự phòng “lần đầu tiên giảm” xuống 5.500 tỷ đồng, từ mức 6.068 tỷ đồng hồi năm 2015, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân (chiếm khoảng 20% tổng dư nợ) tăng 50%, tương đương năm 2015 và thu hồi 2.300 tỷ đồng nợ đã xóa so với 1.834 tỷ đồng năm 2015.

Ngân hàng đề ra mục tiêu chính thức lợi nhuận tăng trưởng 10% năm 2016, nhưng bà Lê Thị Hoa cho rằng con số 17% là khả thi. "Chúng tôi cho rằng mục tiêu NIM và chi phí dự phòng cho thấy tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nữa", đại diện ngân hàng cho biết.

Về dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014, Vietcombank đánh giá thay đổi này tác động đối với từng ngân hàng sẽ khác nhau, còn trong trường hợp của ngân hàng thì không đáng kể.

Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn tại Vietcombank là 18% so với mức trần theo đề xuất là 40%. Tín dụng BĐS chỉ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng và trong số 8% này, chỉ có khoảng 50% đến 60% có tỷ trọng rủi ro 150% (4% đến 4,8% tại tỷ trọng 150%). Nếu thực hiện, điều chỉnh này sẽ khiến CAR giảm 50 điểm cơ bản trong khi mô hình của chúng tôi cho thấy CAR sẽ giảm 37 điểm cơ bản.

Ngân hàng tiếp tục khẳng định Mizuho sẽ giữ cổ phần ít nhất tại mức 15% đồng thời chuẩn bị thực hiện đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10% trong thời gian tới và hiện đang xem xét khả năng nâng tỷ lệ này lên 20%.

Về vấn đề cổ tức bằng cổ phiếu, Vietcombank cho biết ngân hàng mong muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng cổ đông chính muốn tiền mặt hơn, nên sẽ không trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2015.

Tuy nhiên, ngân hàng cho biết sẽ huy động vốn trong năm 2016 thông qua hai hình thức: Phát hành cổ phiếu sơ cấp tỷ lệ 10% cho các nhà đầu tư nước ngoài (không nhắm vào nhà đầu tư trong nước); và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 26.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng, sẽ được chuyển khỏi các khoản mục tiền bù phát hành cổ phiếu và lợi nhuận giữ lại. Hình thức thứ hai đã được NHNN thông qua.

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 30% cổ phần của Vietcombank, hiện tỷ lệ này đang ở mức xấp xỉ 21%.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên