MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Vỡ trận” tăng tưởng tín dụng?

28-10-2013 - 13:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10 chỉ dừng ở mức 6,48%. Với tình hình sức cầu chưa cải thiện, e ngại mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay thêm một lần nữa lỗi hẹn?

Áp lực cuối năm

Muốn hoàn thành được đích tăng trưởng tín dụng 12%, nghĩa là 2 tháng cuối năm toàn ngành ngân hàng phải  phấn đấu tăng tốc tăng trưởng 5,5%. Tức là 2 tháng cuối năm gấp rút cho vay để bằng được 10 tháng.

Con số 6,64%, đã phản ánh toàn bộ nền kinh tế vẫn đang ở trạng thái "vùng trũng”, suy giảm cầu chưa vực lại được. Vì vậy, dù là vào mùa sản xuất cuối năm nhưng tăng trưởng tín dụng cũng chỉ dừng lại ở  trạng thái "nhấp nhô”,  không thể có sự đột biến.

Vấn đề đặt ra ở đây là hướng giải quyết không nằm ở chính sách tiền tệ mà phải ở chính sách tài khóa.

Để tăng trưởng tín dụng bền vững, cơ quan quản lý cần  chuyển trọng tâm nhiều hơn sang các chính sách có tính chất trung và dài hạn, cụ thể là tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế chứ không đơn thuần là cố gắng bơm tiền vào nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongABank thừa nhận, hiện nay, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang "tắc”. Doanh nghiệp thì tắc khâu tiêu thụ, còn ngân hàng thì tắc vốn, không thể cho vay.

Dù các ngân hàng tích cực triển khai cho vay, đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn như ngân hàng Tienphong bank khi Vay tiêu dùng thế chấp, Vay mua ô tô và Vay hộ kinh doanh, khách hàng có thể lựa chọn một trong hai phương án vay ưu đãi với mức lãi suất thấp cụ thể như sau: 0% lãi suất tháng đầu tiên và 12% lãi suất trong 11 tháng tiếp theo hoặc 8.8% lãi suất cho 6 tháng đầu tiên.

Ngân hàng VP bank cũng đặc biệt  lưu ý đến DN nhỏ và vừa. Nhưng theo  phản ánh chung, mức độ chuyển biến vốn vẫn diễn ra rất chậm.

Tính đến hết tháng 9/2013, dư nợ tín dụng của Sacombank tăng 13,4%, song 70% tổng dư nợ của ngân hàng này là cho vay khách hàng cá nhân.

Hay như trường hợp Vietcombank, dù tín dụng đã tăng đến 5,1% tính đến tháng 9/2013, cải thiện rất nhiều so với con số âm 1,47% trong 6 tháng đầu năm, song theo bà Trương Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho vay DN nhỏ và vừa chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ của ngân hàng này.

Nhiệm vụ khó khăn

Cũng cần thừa nhận rằng, thời gian qua, việc thực hiện các giải pháp kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã góp phần tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, mức tăng không  như mong đợi. Do vậy, nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ càng khó khăn hơn bội phần.

TS Trần Du Lịch khẳng định, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hơn nữa khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều; khó đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp, do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống NHTM.  

Đặc biệt những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện. Gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản cho đến nay chưa mang lại kết quả đáng kể. Một khi thanh khoản của thị trường bất động sản chưa cải thiện thì việc xử lý nợ xấu của NHTM cũng sẽ khó khăn.

Ts Nguyễn Trí Hiếu trình bày quan điểm, không nên quyết đạt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá. Quan trọng là kiểm soát dòng vốn đi đúng nơi hay không. Tăng trưởng tín dụng chậm, bền vững còn hơn là nhanh, ảo.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng chia sẻ quan điểm, nên đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng vào 2014. Năm 2014 được nhìn nhận có nhiều bệ đỡ phục hồi với dự đoán sức khỏe khối doanh nghiệp xuất khẩu sáng sủa hơn, niềm tin thị trường hồi phục.

Đại diện NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục quản lý chất lượng tín dụng tại các ngân hàng thương mại một cách chặt chẽ để tránh vốn đi sai chỗ, không mang lại hiệu quả.

Theo Hồ Hương

hanhle

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên