MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vòng xoáy lãi suất cao chưa dừng

10-05-2011 - 18:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Với những ngân hàng lớn có lượng tiền huy động không kỳ hạn dồi dào, có thời điểm 35.000 – 40.000 tỷ đồng, cũng chỉ có tỷ lệ nhỏ được sử dụng cho vay.

Việc triển khai nghị quyết 11/2011/NQ-CP đã đạt được những kết quả bước đầu. Thị trường ngoại hối đã ổn định, thị trường vàng mặc dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng cũng đã được kiểm soát tốt hơn.

Tuy nhiên, thị trường tiền tệ thì vẫn khá căng thẳng, trong đó lãi suất được coi là điểm nóng. Vấn đề lãi suất cao gây những tác động tiêu cực nên nền kinh tế trong đó các doanh nghiệp là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất.

Suy giảm tiền gửi từ các tổ chức kinh tế

Việc duy trì mặt bằng lãi suất cao để chống lạm phát đã khiến cho tỷ lệ tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào các TCTD suy giảm. Trong cơ cấu tín dụng hiện nay của các NHTM thì vốn tự có chỉ chiếm khoảng 10% còn lại là vốn huy động từ xã hội. Nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế, từ dân cư chiếm tỷ lệ khá cao.

“Qua khảo sát thì thời gian vừa qua tiền gửi của các Tổ chức kinh tế sụt giảm rõ rệt”- T.S Nguyễn Thị Mùi, giám đốc trường đào tạo nhân lực Vietinbank thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho biết.

Nguyên nhân cho việc suy giảm lượng tiền gửi của các tổ chức tại các ngân hàng được T.S Mùi lý giải do các ngân hàng tranh giành khách gửi tiền bằng lãi suất và bản thân các doanh nghiệp do vốn vay cao nên rút phần tiền gửi dùng để phục vụ thanh toán tại ngân hàng về làm vốn sản xuất kinh doanh.

T.S Mùi lấy ví dụ: “Chỉ trong 1 tháng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại Vietinbank giảm 5,74%”.

Bảng số liệu về tỷ lệ tăng giảm tiền gửi của Vietinbank.

Chính việc giảm lượng tiền gửi của các TCKT càng tạo thêm sức ép lên huy động. Từ đó các ngân hàng tăng cạnh tranh trên nguồn huy động dân cư, tạo vòng xoáy đưa lãi suất lên cao.

Áp lực lạm phát yêu cầu lãi suất thực dương

Hiện nay với mức lạm phát 4 tháng đã gần 10% và CPI tháng 5 được dự báo từ 1,4-2% thì lãi suất trần áp dụng không đủ để bảo toàn vốn cho người gửi. Chính sách tiền tệ muốn chặn được lạm phát phải duy trì lãi suất thực dương do đó huy động vượt 14% là điều dễ hiểu.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cho biết nhiều ngân hàng thương mãi đã phá rào huy động lên đến 15-19%/năm tùy vào thời điểm và lượng tiền gửi. Nếu giảm lãi suất huy động thì các ngân hàng khó có thể hút được nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, tạo điều kiện cho việc hình thành tín dụng phi kiểm soát tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khát vốn cho thanh khoản

Với thực tế nhiều ngân hàng thời gian vừa qua đã chấp nhận vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất lên đến 21-24%/năm với lãi suất huy động qua đêm cho thấy nhiều ngân hàng thanh khoản rất yếu.Lãi suất cao trên 20% của thị trường liên ngân hàng đã thúc đẩy các ngân hàng huy động ở thị trường 1 với lãi suất 18-19%. So sánh với lãi suất khi vay liên ngân hàng thì các ngân hàng này cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

Thanh khoản của các ngân hàng yếu do sai lệch cơ cấu kỳ hạn và sai lệch cơ cấu đồng tiền, “sai lệch kép”, khiến các ngân hàng đứng trước những rủi ro tài chính cao. NHNN đã ban hành thông tư 13 và 19 quy định chỉ được phép cho vay trung dài hạn 30% nguồn huy động ngắn hạn nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống NHTM. Tuy nhiên quy định này khiến các ngân hàng nhỏ, thanh khoản yếu càng thêm khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Với những ngân hàng lớn có lượng tiền huy động không kỳ hạn dồi dào, có thời điểm 35.000 – 40.000 tỷ đồng, cũng chỉ có tỷ lệ % nhất định làm tín dụng. Phần còn lại được các ngân hàng sử dụng cho vay liên ngân hàng, kiếm lợi nhuận. Do đó cũng không thể cho doanh nghiệp vay để hạ lãi suất như nhiều người mong muốn.

Lợi nhuận từ cho vay phi sản xuất hấp dẫn

Với các đối tượng đi vay sản xuất thì lãi suất 21-22%/năm là quá cao nhưng với lĩnh vực phi sản xuất như CK, BDS thì NDT vẫn chấp nhận mức lãi suất lên đến 22-25%/năm. Như vậy cầu lãi suất cao không chỉ từ phía NHTM trong việc huy động mà còn từ phía khách hàng.

NHNN đã ban hành thông tư quy định đến 30/06/2011 tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% và dưới 16% vào 31/12/2011 nhưng thực tế hiện vẫn hơn 20 ngân hàng mà tỷ lệ này ở mức trên 26%. Theo T.S Nguyễn Thị Mùi thì để giảm tỷ lệ trên sổ sách không phải khó nhưng để giảm thực sự thì rất khó.

Vẫn có khách hàng chấp nhận lãi suất cao khiến cho các ngân hàng vẫn chấp nhận rủi ro để cho vay ra kiếm lời.

Mong muốn hạ lãi suất được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng nhưng có lẽ khó diễn ra trong thời gian tới. Thị trường cần một chính sách hỗ trợ từ NHNN để có thể biến hy vọng thành hiện thực.

Cao Sơn

Theo DDDN

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên