MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng tăng lãi suất huy động nửa cuối năm - Người gửi tiền được lợi

25-09-2024 - 15:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất huy động được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng, với mức tăng từ 0,1 – 1,3% tùy kỳ hạn và ngân hàng, thậm chí lãi suất ở một số ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm.

Theo thống kê, trong tháng 8, lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 và 24 tháng được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng, với mức tăng từ 0,1 – 1,3% tùy kỳ hạn và ngân hàng, thậm chí lãi suất ở một số ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Điều này đã khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Ngoài ra, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong quý II/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm 4,66%, xuống còn 6,523 triệu tỷ đồng; cá nhân tăng nhẹ 1,6% lên 6,637 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi ở tốc độ nhanh khiến các ngân hàng phải tìm cách bảo đảm cân đối nguồn vốn. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng vẫn ghi nhận mức âm nhưng đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã bật tăng lên 2,41%.

Hiện xu hướng tăng lãi suất vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn cũng sẽ nhích thêm 0,7 - 1%, lên 5,3% - 5,6% trong nửa sau năm 2024.

Xu hướng tăng lãi suất huy động nửa cuối năm - Người gửi tiền được lợi- Ảnh 1.

Sự phục hồi của nền kinh tế, nhiều đơn hàng đã được ký kết khiến các ngân hàng huy động lãi suất tiền gửi tăng.

Dự báo về mặt bằng chung lãi suất huy động từ đầu năm đến cuối năm, TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng, 6 tháng cuối năm luôn được xem là "mùa" cho vay của các ngân hàng nên để đáp ứng được nhu cầu vốn, các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động để bảo đảm lượng tiền luôn được thông suốt trên thị trường. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vốn dùng cho sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản sẽ được định hình lại và phát triển trong giai đoạn tới sẽ cần một lượng tiền lớn. Trong khi đó, nguồn vốn từ ngân hàng vẫn được xem là yếu tố chính, nên lãi suất huy động có thể tăng từ 6 - 8%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Đồng quan điểm, các chuyên gia cho rằng, động thái điều chỉnh lãi suất tại các ngân hàng nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng trong thời gian vừa qua. Kể từ đầu năm đến nay, vàng ghi nhận tỷ suất sinh lời hơn 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 1,5% (chiếu theo kỳ hạn 12 tháng). Lãi suất liên ngân hàng sẽ tác động đến thanh khoản hệ thống và quyết định việc tăng hay giảm của lãi suất huy động trên thị trường dân cư.

Hiện nay, mức lãi suất huy động 6,1%/năm cũng là lãi suất cao nhất thị trường được niêm yết tại 5 ngân hàng, gồm: NCB và OceanBank (kỳ hạn tiền gửi từ 18 - 36 tháng); HDBank (kỳ hạn 18 tháng); Saigonbank và SHB (kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng).

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, "Xu hướng tăng của lãi suất huy động trong nửa cuối năm nay nhưng với lãi suất cho vay cũng sẽ có điều chỉnh tăng theo lãi suất huy động. Việc lãi suất tăng là dấu hiệu của sự sôi động kinh tế, khi cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều gia tăng nhu cầu vay vốn. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động nhằm thu hút thêm tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn từ khách hàng. Việc tăng lãi suất là một giải pháp để thu hút dòng tiền mới, đảm bảo thanh khoản, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí vay vốn, vì các ngân hàng cần duy trì biên độ lợi nhuận từ 3 - 4%".

Xu hướng tăng lãi suất huy động nửa cuối năm - Người gửi tiền được lợi- Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024.

Sự phục hồi của nền kinh tế, nhiều đơn hàng đã được ký kết và trả cho khách hàng lớn cũng kéo theo nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động sẽ tiếp diễn vào cuối năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024 trước những động lực chính: Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; Sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và tài khóa khiến nhu cầu nội địa cải thiện; Thị trường bất động sản khởi sắc…

Như vậy, theo nhận định chung thì xu hướng lãi suất huy động tăng trong nửa cuối năm đã được thể hiện khá rõ. Vậy người dân nên chọn các hình thức gửi tiết kiệm tại các ngân hàng như thế nào để có lợi nhất thì theo các chuyên gia, các kỳ hạn ngắn và trung hạn luôn là phân khúc nóng nhất trong bảng lãi suất. Người dân cũng nên tham khảo ý kiến các chuyên gia và trực tiếp tham khảo tại các ngân hàng để đưa ra quyết định chọn các kỳ hạn gửi tiết kiệm. Việc gửi tiền tiết kiệm của người dân còn phụ thuộc vào kế hoạch tài chính riêng đối với từng cá nhân nên người gửi có thể chọn chia nhỏ các khoản tiền gửi theo các kỳ hạn khác nhau để thuận tiện cho việc sử dụng tài chính, và đáng nói, nếu gửi tiền tiết kiệm qua kênh trực tuyến thì khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm ở hầu hết các ngân hàng áp dụng.

Theo Cung Nguyễn

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên