MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ xử bầu Kiên: Rắc rối đổ lỗi khi tiền đi đường vòng

07-06-2014 - 14:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Tại phiên tòa xử “ Bầu Kiên và các đồng phạm”, đại diện ACB và các luật sư đều cho rằng quá trình tổ chức thực hiện “ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank” là không sai luật.

Tại phiên tòa xử “ Bầu Kiên và các đồng phạm” lập luận của các bị cáo, đại diện ACB và các luật sư đều cho rằng chủ trương và quá trình tổ chức thực hiện “ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank” là không sai luật, nếu có sai thì nguyên nhân là do NHNN chậm hướng dẫn (!)

Tuy nhiên, một số ý kiến luật sư cho rằng việc NHNN “chậm” hướng dẫn ủy thác gửi tiền đã gây hậu quả rất lớn cho xã hội, từ đó kiến nghị khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Nhà nước để xử lý các cá nhân liên quan.

Vấn đề này cần nhìn nhận ra sao?

Một vấn đề thuộc về nguyên tắc trong hoạt động ngân hàng ở mọi quốc gia là không bao giờ cho phép một ngân hàng xem việc huy động vốn trong dân cư để gửi lại vào ngân hàng khác thu lãi chênh lệch là một kênh kinh doanh.

Thử hình dung các ngân hàng chỉ nhằm đến việc “huy động để cho vay lẫn nhau”, xa rời mục tiêu tập trung nguồn vốn đáp ứng cho các yêu cầu vốn của nền kinh tế, thì thị trường tiền tệ và ý nghĩa của hệ thống ngân hàng sẽ bị biến dạng thế nào? Bất cập đã không nảy sinh nếu như ACB thực hiện các nghiệp vụ ủy thác thông thường đúng thủ tục như bao ngân hàng khác.

Nhưng vấn đề của ACB là ở chỗ: “ủy thác” chỉ là cách ACB gọi tên cho chủ trương gửi tiền vào ngân hàng khác không thông qua thị trường liên ngân hàng - sân chơi mà NHNN đã giành cho các ngân hàng thương mại giải quyết bài toán thừa/thiếu vốn tạm thời; ACB đã cố tình lách luật, chấp nhận rủi ro an toàn vốn bằng việc ủy thác - giao vốn cho nhân viên (cá nhân) để các nhân viên này đem đi gửi tiền vào ngân hàng khác (Vietinbank), trong khi lại lừa dối cơ quan quản lý, báo cáo gian dối với NHNN và với các cổ đông của mình bằng việc hạch toán đó là tiền gửi liên ngân hàng.

Như vậy là đã có sự lập lờ, cố tình diễn đạt sai lệch hồ sơ vụ án và các sự kiện đã xảy ra trong thực tế, đẩy trách nhiệm cho NHNN trong việc chậm ban hành văn bản “hướng dẫn ủy thác”.

Cái chậm phải chăng chính là NHNN đã chưa ban hành một văn bản nêu rõ ràng và dứt khoát rằng: việc ngân hàng gửi tiền vào ngân hàng khác dưới mọi hình thức mà không thông qua thị trường liên ngân hàng, đều bị xem là trái pháp luật và phải bị xử lý.

Trong khi xuất phát điểm của sai phạm nằm trong ý thức lách luật và hành vi thực hiện bất chấp rủi ro của một số bị cáo, thì không thể phủi tay đổ lỗi cho NHNN trong việc “để xảy ra việc nhiều cá nhân ACB bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm trái” như cách nói của một luật sư trả lời trên một tờ báo ngày 30/05/2014.

Một số luật sư cho rằng “văn bản 350 ngày 17/5/2012 của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN “thực chất là công văn giải thích luật”, từ đó cho rằng NHNN “lạm quyền” khi đã giải thích luật. Điều này có chuẩn xác?

Trên thực tế, văn bản 350 là quan điểm của NHNN với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng về vấn đề được hỏi, cơ quan tố tụng có quyền đồng ý hay không đối với một phần/toàn bộ nội dung trả lời đó và dù đồng ý thì đó cũng chỉ xem là một trong các kênh quan điểm, nguồn chứng cứ từ chính cơ quan quản lý về một vấn đề chuyên ngành đã được luật giao “trách nhiệm hướng dẫn”, chứ không phải là “căn cứ luật” để quy buộc.

Kết luận điều tra và Cáo trạng đã nêu rõ, hành vi ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại Vietinbank đã cấu thành tội cố ý làm trái do vi phạm Điều 106 Luật Các TCTD – chứ không phải vi phạm công văn 350 như cách hiểu “NHNN lạm quyền”.

Cũng có luật sư cho rằng “Trong vụ án này, kết luận điều tra nêu có 26 ngân hàng nhận tiền gửi chi trả lãi suất vượt trần, nhưng cho đến nay cũng không xử lý bất cứ ai về các sai phạm này”. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã tách các vụ việc trên ra để xem xét xử lý sau.

Trong bất kỳ một vụ án hình sự nào cũng xuất hiện các quan hệ dân sự đan xen mà nếu bóc tách độc lập dễ tạo cảm giác các chủ thể ngay tình khi tham gia quan hệ dân sự đó phải có một trách nhiệm mơ hồ nào đó. Một khi các quan hệ dân sự đan xen nằm trong chuỗi hành vi phạm pháp đang bị truy cứu, thì việc xử lý đúng bản chất sự kiện phạm tội là vấn đề hiển nhiên bởi yêu cầu phải xem xét, xử lý một cách “toàn diện” trong bất kỳ vụ án nào.

Sự bất chấp rủi ro khi đã giao một lượng tiền lớn cho các cá nhân mà không hề có một biện pháp bảo đảm hữu hiệu, sự yếu kém trong nhận thức khi đã “đồng hóa” việc “cá nhân gửi tiền không cần nhận thẻ tiết kiệm”, thậm chí xem “hợp đồng tiền gửi” (một thỏa thuận bằng văn bản) là bằng chứng thực hiện … hợp đồng tiền gửi thay cho thẻ tiết kiệm (!)

Chủ sở hữu có quyền đề đạt yêu cầu được bồi thường, bồi hoàn, hoặc không yêu cầu giải quyết nên một khi ACB vẫn tiếp tục “không chịu làm nguyên Đơn dân sự đối với bị cáo”, thiết nghĩ theo quy định của pháp luật tố tụng Hội đồng xét xử hoàn toàn có quyền ra phán quyết về việc tuyên trách nhiệm hình sự đối với bị cáo phạm tội chiếm đoạt tài sản (Huyền Như) nhưng sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nguyên đơn, bị hại nào không có yêu cầu. ACB có lẽ cần suy nghĩ, cân nhắc đến khả năng này khi mà vụ án Huyền Như đang được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

>>> Toàn cảnh vụ Bầu Kiên

>>> NHNN thừa nhận trước luật TCTD 2010, không có luật nào quy định ủy thác gửi tiền


hangnt

Theo Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên