MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1.300 nông dân Ấn Độ đã tự sát vì hạn hán, công ty này được chính phủ thuê về để tạo mưa

24-03-2016 - 22:18 PM | Tài chính quốc tế

Khoảng 1.300 nông dân tại vựa lúa Maharashtra của Ấn Độ đã phải tự sát do không trả được nợ khi mất mùa do hạn hán. Tình hình này vẫn sẽ còn tiếp diễn nếu hãng Weather Modification, một công ty tạo mưa không tiếp cận được thị trường này.

Vào đầu tháng 9/2015, đây đáng lẽ ra là mùa mưa tại Ấn Độ nhưng lượng mưa tại đây không thực sự lớn.

Vùng Maharashtra của Ấn Độ là một vựa lúa của nước này với 110 triệu dân và những cánh đồng bạt ngạt thẳng cánh cò bay. Tuy nhiên tình trạng hạn hán tại đây đang khiến người nông dân lao đao và sản lượng nông nghiệp đã giảm gần 1/3 so với năm 2013. Tồi tệ hơn, khoảng 1.300 nông dân đã phải tự sát trong 6 tháng qua tính đến tháng 10/2015 do mất mùa và không trả được nợ.

Trước tình hình đó, người đứng đầu chính phủ vùng Maharashtra là ông Eknath Khadse đã quyết định chi 4,5 triệu USD cho một dự án tạo mưa trong vòng 3 tháng. Đây là một quyết định khá nguy hiểm khi công nghệ này còn khá mới.

Ngay lập tức, công ty Weather Modification, hãng tạo mưa lớn nhất thế giới đã được thuê để truyền tải công nghệ cũng như đào tạo các nhân viên khí tượng, phi công và kỹ thuật viên radar cho Kyathi nhằm thực hiện nhiệm vụ tạo mưa.

Mưa được tạo ra như thế nào?

Hãng Kyathi là một công ty có dịch vụ khá đặc biệt: tạo mưa cho những vùng nông nghiệp .

“Hầu hết các phi công được đào tạo để bay tránh các đám mây lớn. Riêng chúng tôi được huấn luyện để làm sao đâm vào chúng”, anh Byron Pederson, phi công của hãng Kyathi Climate Modification Consultants nói như vậy khi đang bay trên vùng Maharashtra của Ấn Độ.

Quy trình tạo mưa của Kyathi nghe có vẻ khá đơn giản khi hàng thuê những chiếc máy bay nhỏ mang theo chất Sodium Chloride cùng hỗn hợp bột thuốc nổ dạng nhẹ “lao đầu” vào các đám mây lớn hoặc những cơ bão.

Những ống Sodium Chloride này được bố trí 2 bên cánh máy bay và khi phi công bấm nút, những chiếc ống này sẽ châm lửa phóng hàng nghìn tỷ các hạt muối siêu mịn vào bên trong những đám mây.

Phân tử nước trên bầu trời sẽ kết dính với các hạt muối, qua đó trở nên “nặng” hơn và hình thành các đám mây nặng và giọt mưa.

Để tiết kiệm chi phí và tạo hiệu quả tối đa, thông thường các máy bay sẽ chọn một đám mây hoặc một khu vực có khả năng có bão để thả các hạt muối và đây là lý do những phi công như anh Pederson phải lao đầu vào chúng.

Máy bay cất cánh thả muối siêu mịn

Máy bay cất cánh thả muối siêu mịn

Làm thay việc của "ông trời" không dễ đến thế

Giám đốc điều hành Patrick Sweeney của Weather Modification đã thực hiện công việc tạo mưa trong hơn 20 năm qua và ông phải thừa nhận rằng công việc này khá khó khăn.

Thứ nhất, việc lựa chọn đám mây, địa điểm thả muối và khoanh vùng thả là vô cùng quan trọng bởi nếu không tính toán kỹ, trời sẽ không mưa như dự kiến. Thêm vào đó, kể cả khi có mưa, các nhân viên phải đảm bảo khu vực trời mưa đúng là vùng cần nước theo như nhu cầu, bằng không tất cả công sức sẽ thành công cốc.

Máy bay mang ống phóng Sodium Chloride

Máy bay mang ống phóng Sodium Chloride

Ngoài ra, việc bay trên không trung và thả muối, thêm vào đó là phải đâm đầu vào các đám mây là một nghề khá nguy hiểm khi những phi công cần được đào tạo kỹ lưỡng.

Trong lần bay tạo mưa đầu tiên tại vùng Maharashtra, nhiều nông dân đã đến cổ vũ cho đội bay và may mắn thay, chỉ 22 phút sau khi thả muối, khu vực này đã có những hạt mưa quý giá.

Trung tâm quản lý thiên tai của vùng Maharashtra nằm tại Aurangabad với những công nghệ vô cùng tiên tiến, bao gồm các radar vệ tinh và kho dữ liệu tính toán tối tân.

Trên đỉnh của trung tâm là một quả cầu khổng lồ phát sóng điện từ đi hàng trăm cây số. Khi những đợt sóng từ này chạm vào các đám mây thì chúng sẽ phản hồi lại trung tâm và tạo nên một bản đồ phân bố trong khu vực.

Tín hiệu càng mạnh thì độ dày của đám mây càng lớn. Sự phát triển của hệ thống radar ngày nay cho phép các nhân viên định dạng được mô hình đám mây theo kiểu 3D, qua đó xác định khả năng tạo mưa của các đám mây.

Hơn nữa, độ phân giải hình ảnh và những công nghệ tính toán tiên tiến khiến các chuyên gia dễ xác định được khu vực và số lượng muối siêu mịn cần thả nhằm tạo mưa tại những vùng cần thiết.

Thậm chí trung tâm này còn có hẳn một phần mềm gọi là “Titan” nhằm phân giải toàn bộ số liệu để đưa ra các lựa chọn hiệu quả nhất cho nhân viên.

Chuyên gia Roelof Bruintjies của Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Quốc gia (NCAR) nhận định những công nghệ trong 10 năm qua khiến ngành tạo mưa có phát triển nhảy vọt và sự tăng trưởng này có thể tăng gấp đôi tốc độ trong một thập niên tới.

CEO Patrick Sweeney của Weather Modification

CEO Patrick Sweeney của Weather Modification

Còn tiếp...

Theo Hoàng Nam

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên