2015 - Năm đáng quên với các nhà đầu tư
Giá cổ phiếu, hàng hóa và tiền tệ đều lao dốc mạnh. Thậm chí mức tăng của thị trường trái phiếu cũng dễ dàng bị “thổi bay” vì lạm phát (dù ở mức thấp).
- 01-10-2015Phố Wall chốt lại quý tồi tệ nhất trong 4 năm
- 25-08-2015Giải mã 5 câu hỏi về “ngày thứ Hai đen tối” của chứng khoán toàn cầu
- 22-08-2015Trung Quốc “nhấn chìm” thị trường chứng khoán toàn cầu
Với quý III tồi tệ nhất trong 4 năm, chỉ số MSCI All Country World Index đã giảm tổng cộng 6,6% kể từ đầu năm đến nay. Chỉ số Bloomberg Commodity Index đã giảm 16%, trong khi chỉ số theo dõi các quỹ tiền tệ của Parker Global Strategies LLC đã giảm 1,8%.
Riêng trong quý III, MSCI All Country World Index giảm khoảng 10%, trong khi chỉ số Bloomberg commodity index mất 14%.
Các loại tài sản mang lại thu nhập cố định không thể trở thành “hầm trú ẩn an toàn” cho nhà đầu tư. Chỉ số trái phiếu của Bank of America Corp chỉ tăng 1%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu tăng tới 2,5% (theo số liệu của IMF).
Sau 3 năm liên tiếp giá cổ phiếu tăng điểm mạnh mẽ và thị trường tràn ngập tiền giá rẻ từ các chương trình nới lỏng tiền tệ, giờ đây các thị trường đều lao dốc vì sự bất an trên thị trường mới nổi và lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm.
Giới phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2015 của kinh tế toàn cầu xuống còn 3%, so với mức 3,5% được đưa ra đầu năm nay. Diễn biến tiêu cực của các thị trường tài chính cũng gây áp lực buộc các NHTW phải kéo dài chương trình kích thích.
Đặc biệt, Trung Quốc là nguồn cơn lớn nhất gây lo lắng cho nhà đầu tư sau khi bong bóng vỡ trên thị trường chứng khoán nước này cùng nỗi lo ngại về mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990. Chỉ số Shanghai Composite giảm 29% trong quý III, và đồng nhân dân tệ cũng yếu đi 2,4% sau động thái phá giá của NHTW Trung Quốc.
10 đồng tiền châu Á được giao dịch nhiều nhất giảm 5,1% kể từ đầu năm đến nay, thấp nhất kể từ 2009. Các đồng tiền của khu vực Mỹ Latinh cũng đồng loạt chạm đáy.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các đồng tiền này lao dốc là sự ảm đạm của thị trường hàng hóa và nguyên nhân sâu sa hơn là Trung Quốc. Giá dầu thô đã rơi xuống mức dưới 50 USD/thùng trong bối cảnh OPEC đạt sản lượng cao nhất 7 năm. Giá đồng chạm đáy 6 năm, trong khi giá platinum giảm 15%. Cổ phiếu của Glencore, tập đoàn hàng hóa lớn nhất thế giới, giảm 69%.
Chứng khoán mới nổi cũng ghi nhận quý giảm điểm mạnh nhất trong 4 năm, trong khi trái phiếu niêm yết bằng đồng nội tệ giảm tổng cộng 3%.