MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​4 lý do cho thấy giá dầu đã chạm đáy

09-03-2016 - 09:29 AM | Tài chính quốc tế

Sau một thời gian dài vật lộn với cuộc khủng hoảng dầu mỏ tồi tệ nhất trong lịch sử, các nước sản xuất dầu cuối cùng đã thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Phil Flynn, chuyên gia phân tích năng lượng của Price Future Group, nhận định kinh tế toàn cầu đang bước vào thị trường giá lên sau khi trải qua một trong những thị trường giá xuống tồi tệ nhất trong lịch sử. Ông dự đoán giá dầu sẽ lên đến gần 70 USD/thùng vào tháng 7 năm nay. Giá dầu đã lao dốc gần 70% trong 20 tháng qua, chủ yếu là do tình trạng thừa cung gây ra.

Trước đó, các nước sản xuất dầu lớn như Ả Rập Xê-út đã từ chối cắt giảm sản lượng trong bối cảnh lực cầu ở Châu Âu và Trung Quốc giảm, ngay cả khi nền kinh tế của các nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Song. hiện nay các nước này đã có thể hợp tác cùng nhau để đẩy giá dầu lên. Giá dầu đã tăng vọt gần 40% kể từ mức thấp kỷ lục trong 13 năm qua là 27 USD/thùng. Thống kê cho thấy số dàn khoan dầu của Mỹ đã giảm trong 11 tuần liên tiếp.

Dưới đây là những lý do nằm sau sự phục hồi của giá dầu mà Flynn dựa vào để nói thị trường đã bắt đáy:

1. Các công ty dầu của Mỹ đang cắt giảm sản lượng

Sau nhiều tháng cắt giảm lao động và ngân sách, các công ty dầu của Mỹ cuối cùng đã phải cắt giảm sản lượng. Đa số các công ty đang có kế hoạch giảm từ 10 đến 30% sản lượng. Theo Flynn, số thùng dầu ở Mỹ có thể giảm từ 9 triệu thùng/ngày vào thời điểm hiện tại xuống 8 triệu thùng/ngày vào mùa hè tới.

Flynn cũng cho rằng ngay cả khi giá dầu tăng trong vài tháng tới, các công ty sẽ không thể quay trở lại các mỏ dầu và khai thác như trước. Họ đã cắt giảm chi tiêu cho những dự án này và đang nợ nần chồng chất. Theo báo cáo của Deloitte, dự kiến 1/3 các công ty dầu của Mỹ sẽ tuyên bố phá sản trong năm nay.

2. OPEC và các nước ngoài OPEC đồng ý đóng băng sản lượng

Theo Bộ trường Năng lượng Nga Alexander Novak, các nước sản xuất 73% sản lượng dầu của thế giới này đã nhất trí về một thỏa thuận sơ bộ để đóng băng sản lượng.

Các quan chức của OPEC và các nước ngoài OPEC cho biết sẽ hạn chế sản lượng xuống mức trong tháng giêng năm nay và đang thảo luận cách thức giảm sát lệnh đóng băng. Dự kiến OPEC sẽ nhóm họp với Nga vào cuối tháng này để triển khai thỏa thuận trên.

Mặc dù không phải tất các nước trên đều có quan hệ ngoại giao tốt, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng vì tình hình hiện nay đã rất nguy cấp. “Tất cả các nước sắp quỵ ngã”, Flynn nói. “Không ai có thể câu giờ được nữa”.

Ngay cả Ả Rập Xê-út, nước được cho là có khả năng đứng vững trong cuộc khủng hoảng giá dầu, cũng đã phải vay quốc tế đến 10 tỷ USD. Standard & Poor đã hạ xếp hạng tín dụng của quốc gia Trung Đông này từ A+ xuống A-. Hãng xếp hạng tín dụng này cho biết những áp lực phát sinh do giá dầu lao dốc là nguyên nhân buộc Ả Rập Xê-út phải đi vay tiền.

3. Sản lượng dầu của Iran chưa đủ lớn

Việc lo sợ Iran gia nhập thị trường dầu mỏ sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ đã khiến nhiều nước sản xuất dầu tiếp tục tăng sản lượng lên mức kỷ lục nhằm giữ thị phần của mình.

Tuy nhiên, mặc dù Iran đã quay lại thị trường, các công ty dầu của nước này lại chẳng có tiền để đầu tư. Flynn cho biết sản lượng dầu của Iran sẽ tăng chậm hơn dự kiến.

Ngay cả khi Iran có thể tăng sản lượng, các nước sản xuất dầu khác sẽ giảm sản lượng của mình để giữ giá dầu đi lên. Iran và Ả Rập Xê-út không có quan hệ ngoại giao nhưng “nước nào cũng đang trong tình trạng thê thảm và không thể để giá dầu giảm thêm nữa”, Flynn nói.

Một quan chức của Iran cho biết nước này sẽ xem xét cắt giảm sản lượng một khi đạt được mức sản lượng ở thời điểm trước khi có lệnh trừng phạt.

4. Kinh tế Trung Quốc chưa đáng ngại

Sự giảm tốc kinh tế của nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới thực sự không nghiêm trọng như dự đoán. Đã có những lo ngại ban đầu rằng lực cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ tụt dốc thê thảm và kinh tế nước này sẽ sụp đổ, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn cho thấy dấu hiệu ổn định.

Theo báo cáo của Platts China Oil Analytics, lực cầu dầu thô của Trung Quốc đã tăng từ 4,7% trong năm 2014 lên 5,8% trong năm 2015. Con số này được dự đoán giảm xuống 2,7% trong năm nay do tăng trưởng GDP giảm.

Các chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai các gói kích thích bổ sung để thúc đẩy khu vực sản xuất và dịch vụ. Nước này cũng tuyên bố sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lần thứ năm trong năm nay. Những dấu hiệu này giúp nhà đầu tư có thêm niềm tin về triển vọng của kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.

Long Nam

Business Insider

Trở lên trên