MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 mối đe dọa đang kìm hãm sự hồi phục của Châu Âu

26-10-2015 - 17:25 PM | Tài chính quốc tế

Châu Âu đang lấy lại được những gì đã mất từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội đang cản trở sự phục hồi tại đây.

Khủng hoảng di dân

Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ Thế Chiến II và các nhà hoạch định chính sách đang phải chật vật đấu tranh với vấn đề này. Các quan điểm khác nhau về cách xử lý khoảng 8.000 người di cư/ngày đã làm chậm lại việc đưa ra các quyết định. Trong khi đó, những người nhập cư từ Syria và Iraq đang bị bắt tại Croatia và Hungary khi các quốc gia này thắt chặt kiểm soát tại biên giới của họ. Các nước như Đức và Hy Lạp đang nhanh chóng thành lập trại tị nạn. Tuy nhiên, thủ tướng Đức – bà Angela Merkel – đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ trong nước.

Một số nhà kinh tế nhận định cuộc khủng hoảng dân nhập cư có nguy cơ làm giảm tốc độ phục hồi của kinh tế châu Âu khi các nhà lãnh đạo phải tập trung vào dân di cư hơn là vào vấn đề tăng trưởng.

Vụ bê bối khí thải của Volkswagen

Bên cạnh việc thu hồi xe trên toàn cầu và cải tổ quản lý, các chuyên gia cho rằng vụ bê bối của Volkswagen (VW) có thể làm hoen ố thương hiệu nước Đức và điều đó có thể làm thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng về quốc gia này.

Ngân hàng ING cho rằng tác động từ cuộc khủng hoảng của VW có thể lớn hơn tác động từ cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp do tầm quan trọng của nhà sản xuất ô tô xứ Lower Saxony đối với nền kinh tế nước này.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ bê bối khí thải của VW đã làm sứt mẻ niềm tin ngay tại thị trường trong nước. Theo cuộc khảo sát mới nhất của ZEW, niềm tin của nhà nhà phân tích và đầu tư Đức vào nền kinh tế nước này đã giảm xuống 1,9 điểm vào tháng 10 - thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 6 điểm.

Trong tháng 8, xuất khẩu của Đức giảm 5,2%. Trong khu vực châu Âu, Đức là cường quốc kinh tế lớn nên khi quốc gia này gặp vấn đề, cả châu Âu cũng gặp vấn đề.

Hy Lạp

Sự leo thang mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp trong mùa hè vừa qua có lẽ đã là một ký ức xa vời nhưng những hậu quả rất nghiêm trọng và chắc chắn câu chuyện này vẫn chưa dừng lại. Hy Lạp đang thực hiện cải cách khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ châu Âu và đang cố gắng khôi phục lại niềm tin của các doanh nghiệp trong nước. Ông Alexis Tsipras lại được bầu làm thủ tướng, tạo ra sự liền mạch trong việc điều hành đất nước, nhưng bất ổn chính trị vẫn hiện hữu.

Thủ tướng Hy Lạp - ông Alexis Tsipas

Một chuyên gia phân tích của Ngân hàng Hoàng gia Scotland cho rằng điểm mấu chốt là xử lý việc tái cấu trúc nợ. Trong khi phải cơ cấu lại hàng đống nợ thì những nhà lãnh đạo nước này cũng đang phải đối mặt với tình hình dân nhập cư ồ ạt. Hy Lạp đang là nước có nhiều người nhập cư nhất với khoảng 500.000 người. Điều đó có nghĩa là lãnh đạo nước này đang bận rộn sắp xếp chỗ ở và trợ giúp cho những người nhập cư trong khi vẫn phải tập trung vào cải cách đất nước.

Xứ Catalan đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha

Kết quả cuộc bầu cử đầu tháng 10 tại xứ Catalan cho thấy người dân tại vùng lãnh thổ này đang ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha. Trong khi khó dự đoán những việc sẽ xảy ra, những người tham gia thị trường mong đợi những cuộc đàm phán diễn ra giữa bên ủng hộ độc lập của chính khách Artur Mas và chính quyền Madrid sẽ được tăng cường trước các cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới.

Theo một chuyên gia của ADM, ngay cả khi xứ Catalan giành được độc lập thì họ cũng sẽ không đi đâu cả, chẳng khác gì người Scotland sống ở Vương quốc Anh. Chủ nghĩa ly khai (bao gồm cả chủ nghĩa dân tộc ly khai) tại châu Âu sẽ làm tăng thêm tình trạng thắt lưng buộc bụng và khiến cho triển vọng của các cuộc cải cách trở nên ảm đạm.

Lo ngại về nước Nga

Việc nước Nga tham gia vào các vấn đề của bán đảo Crimea và Syria khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng.

Một chuyên gia của công ty Quản lý quỹ BK nhận định Nga đang trở thành mối đe dọa quân sự hơn là một đối tác kinh tế tiềm năng đối với khu vực EU. Do đó, thay vì tiếp tục hội nhập và hợp tác với thị trường của Nga, các quốc gia sử dụng đồng Euro sẽ phân định rõ các ràng buộc và điều này sẽ không dễ dàng để thay đổi.

Nga đã là đối tác thương mại quan trọng của châu Âu, đặc biệt là với Đức, nhưng những cuộc không kích mới đây của Nga tại Syria khiến các nhà lãnh đạo châu Âu khó khăn hơn trong việc nâng cao các biện pháp trừng phạt với Nga. Và điều đó làm giảm đi cơ hội kinh doanh với Nga trong thời gian tới.

Theo Thạch Thảo

Người đồng hành

Trở lên trên