9 sự kiện tài chính quốc tế nổi bật năm 2012
Chuyển giao quyền lực ở các nước lớn, ồ ạt bơm tiền kích thích kinh tế, các đại gia ngân hàng gặp hạn, vách đá tài khóa của Mỹ ... là những sự kiện đáng chú ý trong năm 2012.
1. Năm của bầu cử và chuyển giao quyền lực
Ngày 6/5, Francois Hollande giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, hứa hẹn sẽ bắt đầu chống lại các chính sách thắt lưng buộc bụng được khởi xướng bởi Đức và gây nhiều tranh cãi trong các nước châu Âu.
Ngày 6/11, với 303 phiếu đại cử tri, ông Barack Obama đã tái đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Nội các của ông Obama cũng có nhiều thay đổi khi phải thay những vị trí quan trọng gồm Ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và cả bộ trưởng tài chính.
Ngày 15/11, Trung Quốc chính thức tuyên bố ông Tập Cận Bình được bầu vào vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay thế cho ông Hồ Cẩm Đào, đồng thời là chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương. Ông Lý Khắc Cường sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ban thường vụ Bộ Chính trị rút xuống còn 7 người.
Bắt đầu lên nắm quyền vào cuối năm 2011, trong năm 2012, Kim Jong-un đem lại nhiều thay đổi ở Triều Tiên như lần đầu tiên đệ nhất phu nhân Triều Tiên xuất hiện trước công chúng, thỏa thuận với Trung Quốc xây dựng nhiều khu kinh tế, đưa kinh tế tư bản vào giảng dạy, cho phép sử dụng tiền mặt trong thanh toán…
Ngày 1/4, nhà hoạt động chính trị Aung San Suu Kyi được bầu vào Quốc hội Myanmar sau 15 năm bị giam giữ. Cùng với kế hoạch cải tổ nội các mạnh mẽ của Tổng thống Thein Sein, Myanmar thực hiện nhiều cải cách mở cửa nền kinh tế và trở thành điểm sáng mới của châu Á.
2. Các NHTW ồ ạt bơm tiền giải cứu nền kinh tế
Ngày 13/9, Fed quyết định tung ra gói QE3. Đến ngày 12/12, Fed lại tuyên bố bắt đầu từ tháng 1/2013 sẽ mở rộng QE3, tăng lên tổng cộng 85 tỷ USD mỗi tháng. Lãi suất cơ bản sẽ được giữ ở mức gần 0 chừng nào tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 6,5% và lạm phát dưới 2,5%.
NHTW Trung Quốc liên tục giảm lãi suất cơ bản trong tháng 6 và 7 đồng thời ồ ạt bơm tiền với khối lượng kỷ lục trên thị trường mở. Trong 2 tháng 8 và 9, các địa phương liên tiếp công bố các dự án đầu tư mới với trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ.
ECB giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục – 0,75%. Lãi suất tiền gửi chỉ còn 0%. Ngày 6/9, ECB công bố chương trình mua trái phiếu không giới hạn nhằm giúp các nước thành viên eurozone hạ thấp chi phí đi vay.
ECB giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục – 0,75%. Lãi suất tiền gửi chỉ còn 0%. Ngày 6/9, ECB công bố chương trình mua trái phiếu không giới hạn nhằm giúp các nước thành viên eurozone hạ thấp chi phí đi vay.
Ngày 30/10, NHTW Nhật Bản quyết định nới lỏng hơn chính sách tiền tệ bằng cách mở rộng chương trình mua tài sản lên 91.000 tỷ yên. Tài sản của BoJ tính đến cuối tháng 11 đạt 156.360 tỷ yen, đạt mức kỷ lục lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua.
Hàng loạt các nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, Australia, Anh đều giảm lãi suất.
3. Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 13 năm
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rộ lên nguy cơ hạ cánh cứng với tăng trưởng GDP quý III chỉ đạt 7,4%, thấp nhất kể từ năm 2008 và được dự báo sẽ chỉ đạt 7,5% trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 1999. Cho đến quý III, nền kinh tế vẫn bế tắc với các chỉ số đáng thất vọng như PMI vẫn ở ngưỡng suy giảm trong tháng thứ 11 liên tiếp, số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 24 tháng.
Tuy nhiên, nền kinh tế hồi phục về cuối năm. Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 11 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cao hơn dự đoán trong khi lạm phát phục hồi từ mức thấp nhất 33 tháng. Số đơn hãng xuất khẩu và lượng tiêu dùng nội địa đều tăng mạnh.
4. Các ngân hàng lớn vướng vòng lao lý, cắt giảm nhân sự kỷ lục
Tháng 7, thị trường tài chính rúng động bởi vụ thao túng lãi suất Libor và Eurolibor. 800 nghìn tỷ USD giá trị chứng khoán và cả khoản vay trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi lãi suất Libor. Tổng cộng có 16 ngân hàng bị điều tra, trong đó Barclays đã nộp phạt 450 triệu USD.
HSBC nộp phạt 1,9 tỷ USD vì rửa tiền. Standard Chartered bị Phòng Quản lý Tài chính New York buộc tội “rửa" 250 tỷ USD với Iran và sau đó phải nộp phạt 340 triệu USD. Một loạt các ngân hàng khác bao gồm Royal Bank of Scotland, Deutsche Bank cũng bị điều tra.
Các ngân hàng đều thực hiện cắt giảm nhân sự kỷ lục. Citigroup cắt giảm 11.000 nhân sự, Bank of America sa thải 16.000 nhân viên trong khi UBS cắt giảm 10.000 việc làm.
5. Eurozone ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng nợ, Hy Lạp ngấp nghé ra đi
Hy Lạp đã suy thoái 5 năm liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 26%. Cuộc bầu cử hồi tháng 5 với sự vươn lên mạnh mẽ của đảng phản đối gói cứu trợ làm dấy lên dự đoán cho rằng chắc chắn Hy Lạp sẽ rời eurozone. Với gói cứu trợ mới được thông qua hồi đầu tháng 12, tổng cộng Hy Lạp đã nhận được 240 tỷ USD từ các chủ nợ quốc tế.
Eurozone rơi vào suy thoái lần thứ 2 kể từ năm 2009
Tây Ban Nha chao đảo vì khủng hoảng nhà đất kéo theo khủng hoảng ngân hàng và phải nhận gói cứu trợ 19 tỷ euro. Italia có gánh nặng nợ lên tới 120% GDP. Lợi suất trái phiếu chính phủ của 2 nước liên tục vượt ngưỡng 7%.
Đức và Pháp vốn mạnh mẽ kể từ đầu khủng hoảng đến nay nhưng sang năm 2012 cũng gặp nhiều khó khăn với hoạt động sản xuất suy giảm và nợ gia tăng.
6. Mỹ nóng với vách đá tài khóa
Tăng trưởng kinh tế quý III là 2,7%, cao nhất kể từ quý IV/2011 nhưng đà phục hồi vẫn còn mong manh, đặc biệt là khi vách đá tài khóa trị giá 600 tỷ USD đe dọa sẽ thổi bay 5% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn dù xuống dưới 8% nhưng thị trường lao động yếu ớt.
Thị trường nhà đất là 1 điểm sáng của năm 2012 khi doanh số bán nhà, giá cả và số nhà mới đều tăng mạnh. Nhiều người nhận định đây sẽ là lực đẩy giúp nền kinh tế hồi phục.
7. Năm đại hạn của các công ty công nghệ
Năm 2012, thế giới lo ngại về nguy cơ bong bóng của các công ty công nghệ với sự thất bại của các vụ IPO đình đám. Ví dụ điển hình nhất là cổ phiếu Facebook liên tục bị bán tháo và sụt giảm 50% giá trị chỉ trong 1 thời gian ngắn. Dù mới chỉ vừa IPO hồi tháng 11 năm ngoái, giá trị thị trường của Groupon đã sụt giảm mất hơn 3/4, tương đương khoảng 10 tỷ USD khiến hãng đứng bên bờ sụp đổ.
Cổ phiếu Zynga đã "hạ cánh" xuống mức giá 2 USD/cổ phiếu, bay rất xa so với giá trị 10 USD đợt IPO vào mùa hè năm ngoái. Trong những thương vụ IPO đình đám của năm qua, chỉ có Linkedin diễn biến tốt khi liên tục tăng giá.
Các hãng cũng liên tục thay đổi lãnh đạo với mong muốn thay đổi tình hình. Yahoo có tới 3 lần thay đổi lãnh đạo trong 1 năm. Apple sa thải Giám đốc phần mềm Scott Forstall.
Một loạt đại gia điện tử lâm vào cảnh thua lỗ và bị hạ xếp hạng với những cái tên đình đám như Nokia, Sharp, Sony, Panasonic…
8. USD vẫn là vua, trái phiếu lên ngôi
Trong 9 tháng đầu năm, dòng vốn bị rút mạnh khỏi cổ phiếu để đổ về các tài sản an toàn như đồng USD hoặc trái phiếu hay các loại tài sản của châu Á (đặc biệt là trái phiếu). Tỷ lệ dự trữ USD toàn cầu lên cao nhất kể từ 2010. Lợi suất của trái phiếu chính phủ Đức xuống dưới 0% trong khi của Mỹ thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, số liệu những tháng cuối năm cho thấy dòng tiền đang quay trở lại với cổ phiếu. Theo EPFR Global, trong tuần kết thúc vào ngày 12/12, các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu đã hút 8,9 tỷ USD trong khi quỹ trái phiếu chỉ thu được 5,2 tỷ USD. Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào 1 năm 2013 sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, số liệu những tháng cuối năm cho thấy dòng tiền đang quay trở lại với cổ phiếu. Theo EPFR Global, trong tuần kết thúc vào ngày 12/12, các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu đã hút 8,9 tỷ USD trong khi quỹ trái phiếu chỉ thu được 5,2 tỷ USD. Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào 1 năm 2013 sáng sủa hơn.
Hoạt động IPO trên toàn cầu ảm đạm. Trong quý III, tổng giá trị các vụ M&A trên toàn cầu đạt 446 tỷ USD, thấp nhất kể từ quý III/2009. Doanh số của các vụ IPO được thực hiện trong quý chỉ tăng khoảng 21,3 tỷ USD, thấp hơn 48% so với quý trước.
9. Bức tranh màu xám vẫn bao phủ kinh tế toàn cầu
Nhìn chung, gam màu chủ đạo của năm 2012 vẫn là màu xám. Châu Á vốn là động lực tăng trưởng của thế giới cũng gặp nhiều khó khăn với xuất khẩu suy giảm. Các nước Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng nhiều từ Mỹ và eurozone. Đến quý III, tính trung bình kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát lên tới 11,4%. Tỷ lệ thất nghiệp là 14%.
Hoạt động sản xuất trên toàn cầu liên tục suy giảm với sự trì trệ của những “đầu tàu” như Mỹ, Trung Quốc, Đức. Mặc dù đã có một vài tín hiệu khởi sắc trong 3 tháng cuối năm, sự phục hồi vẫn rất mong manh.
Ban Biên tập CafeF