ADB: Giá dầu tăng có thể làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng của châu Á
Các phép mô phỏng bằng mô hình kinh tế lượng cho thấy tác động của việc giá dầu tăng mạnh trở lại đối với châu Á sẽ mạnh hơn đối với những khu vực khác.
- 24-03-2015ADB: Nguồn vốn gián tiếp bỏ qua Việt Nam vì TTCK chưa đủ sức hấp dẫn
- 24-03-2015ADB: Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng
- 18-03-2015Châu Á có đủ sức chống đỡ với đồng USD quá mạnh?
Nội dung nổi bật:
- ADB dự báo trong 2 năm tới kinh tế châu Á sẽ có tốc độ tăng trưởng bằng với năm 2014.
- Giá dầu thấp là một lợi thế cho tăng trưởng ở châu Á nhưng xu hướng tăng có thể làm đảo lộn mọi thứ.Châu Á cũng cần thận trọng kiểm soát tăng trưởng tín dụng
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á năm 2015.
Theo đó, ADB dự báo khu vực các nước đang phát triển của châu Á sẽ tăng trưởng vững chắc với tộc độ 6,3% trong năm 2015 và 2016 – bằng tốc độ tăng trưởng năm 2014 – nhờ các nền kinh tế công nghiệp lớn tiếp tục hồi phục và giá cả hàng hóa thế giới giảm.
ADB nhận định giá dầu thấp là một lợi thế cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tăng trưởng ở châu Á. Ngoài kích thích tăng trưởng kinh tế, giá dầu giảm cũng làm giảm tốc độ lạm phát, qua đó tạo dư địa hạ thấp lãi suất và tiếp tục kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia ngân hàng phát triển châu Á cơ quan thường trú tại Việt Nam, cho rằng hầu hết các nước châu Á nhập khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ, do đó giá dầu giảm sẽ có tác động tích cực đến tiêu dùng.
Đặc biệt, trong trường hợp của Việt Nam, Mellor nhận định chính phủ Việt Nam đã rất thông minh khi tăng giá điện, giá gas vào thời điểm này vì những chính sách này sẽ hỗ trợ cho ngân sách mà không gây ra quá nhiều tác động lên lạm phát.
Tác động tức thời của sự thay đổi giá dầu đối với chỉ số giá tiêu dùng là khá nhỏ ở tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Tác động này đối với Thái Lan là lớn nhất, khi giá dầu thô giảm 10% sẽ làm lạm phát giảm gần 0,2 điểm phần trăm sau một tháng.
Tuy nhiên, ADB cũng nhận định giá dầu tăng có thể làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng ổn định của châu Á. Các phép mô phỏng bằng mô hình kinh tế lượng cho thấy tác động của việc giá dầu tăng mạnh trở lại đối với châu Á sẽ mạnh hơn đối với những khu vực khác. Nếu giá dầu tăng trở lại lên trở lại lên 100 USD/thùng trong vòng một năm tới, thì tăng trưởng ở châu Á có thể giảm đến 1 điểm phần trăm trong năm 2016.
Chênh lệch lãi suất giữa các nền kinh tế phát triển – vẫn đang ở mức thấp – và các nước đang phát triển ở châu Á đóng một vai trò nhất định trong xu hướng suy giảm mạnh của khu vực. Điều này cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong khu vực có thể làm nhẹ bớt ảnh hưởng đến sản lượng.
Tương tự với kịch bản giá dầu đảo chiều, mặc dù dòng vốn đang đổ vào khu vực châu Á có xu hướng tích cực nhờ tăng trưởng, song ADB kiến nghị các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng kiểm soát tình hình tăng trưởng tín dụng để đảm bảo không rơi vào tình trạng vay nợ quá nhiều và bong bóng giá cả tài sản.
Châu Á có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ năm 2009 đến 2013, các khoản vay ngân hàng và trái phiếu tăng nhanh ở 14 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất châu Á đã làm cho số nợ trong nước tăng gần gấp đôi, từ 18.300 tỷ USD lên 34.100 tỷ USD. Chính điều này đang mang lại rủi ro khủng hoảng tài chính cho nền kinh tế.
Trả lời câu hỏi liệu viễn cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi châu Á, ông Mellor cho rằng tất nhiền dòng vốn ngắn hạn sẽ bị rút ra khỏi châu Á. Tuy nhiên, đối với trường hợp Việt Nam, thị trường chứng khoán chưa phát triển đến mức trở thành kênh đầu cơ của các nhà đầu tư nước ngoài, do đó TTCK Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Thu Hương