MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"AEC sẽ vượt qua EU trong thập kỷ tới"

21-04-2015 - 11:54 AM | Tài chính quốc tế

“ASEAN hiện tăng trưởng 5% mỗi năm trong khi châu Âu tăng trưởng chưa đến 2%, chúng ta có thể đuổi kịp châu Âu”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia nhận định.

Trong những năm tới, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) kết nối 10 quốc gia Đông Nam Á  sẽ vươn lên cạnh tranh với Liên minh châu Âu. Đó là nhận định lạc quan vừa được lãnh đạo các nước trong khu vực đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Đông Á lần thứ 24 đang diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

“ASEAN hiện tăng trưởng 5% mỗi năm trong khi châu Âu tăng trưởng chưa đến 2%, chúng ta có thể đuổi kịp châu Âu”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia nhận định. “Điều chúng ta cần làm là đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng để có thể đến đích nhanh hơn. Nếu thành công ASEAN có thể vượt EU trong 10 – 15 năm tới”.

ASEAN có dân số rất trẻ trong khi châu Âu đang ở trong giai đoạn già hóa dân số, do đó AEC sẽ có một lợi thế rất lớn. Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành sẽ tạo nên một thị trường chung và cơ sở sản xuất chung, thúc đẩy dòng chảy tự do giúp hàng hóa và dịch vụ lưu thông ở một trong những khu vực năng động nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

CEO Anthony F. Fernandes của hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia) cũng đồng tình với quan điểm này. “Chúng ta có 600 triệu người và đã làm được nhiều việc. Chắc chắn AEC có thể cạnh tranh với EU. Mặc dù đến cuối năm 2015 AEC chưa thể hoàn hảo, cộng đồng này tạo nên một nền tảng quan trọng để phát triển. Nếu đây thực sự là một cộng đồng kinh tế, tất cả mọi người đều được hưởng lợi”.

Hiện nay là thời điểm nước rút trước khi AEC chính thức đi vào hoạt động và những hàng rào về thuế quan cũng như thủ tục đang được gỡ bỏ. “Thuế quan đã được cải thiện đáng kể”, Teresita Sy-Coson, phó Chủ tịch của tập đoàn đầu tư SM (Philippines) nhận định.

Trong ngành du lịch, các nhà lãnh đạo đang thảo luận về việc hình thành visa chung của ASEAN. Trong tương lai, các công dân ASEAN được tự do đi lại qua biên giới là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là chính sách dành cho các lao động có trình độ cao.

Dẫu vậy, các lãnh đạo cũng thừa nhận rằng khu vực vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Evelyn Balais-Serrano, Giám đốc điều hành Diễn đàn nhân quyền và phát triển châu Á, cho rằng vì ASEAN hội nhập và gắn kết sâu rộng hơn, cần phải đảm bảo rằng các công dân được bảo vệ tốt hơn.

Nhìn vào những bài học rút ra từ EU, các nhà lãnh đạo đồng tình rằng ASEAN nên áp dụng các tiêu chuẩn chung cũng như các luật lệ và quy định chung, đồng thời củng cố sức mạnh của cơ quan lãnh đạo tập trung.

Thanh Thanh

Thu Hương

World Economic Forum

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên