MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

AirAsia là hãng hàng không như thế nào?

28-12-2014 - 22:42 PM | Tài chính quốc tế

AirAsia là một trong những hãng hàng không tiêu biểu cho mô hình hàng không giá rẻ ở châu Á. Tỷ phú Tony Fernandes mua lại AirAsia từ một tập đoàn nhà nước với giá 0,26 USD đi kèm với một khoản nợ khổng lồ.

AirAsia là hãng hàng không giá rẻ có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia, cung cấp các chuyến bay nội địa và quốc tế tới hơn 100 địa điểm ở 22 quốc gia. Đến nay AirAsia đã có nhiều công ty liên doanh ở các quốc gia châu Á như Thai AirAsia, Indonesia AirAsia, Philippines AirAsia, AirAsia Zest và AirAsia Ấn Độ. Đặc biệt, AirAsia X là công ty con chuyên cung cấp những chuyến bay có chi phí thấp, có khoảng cách xa và thời gian dài (long – haul). 

AirAsia là một trong những hãng hàng không tiêu biểu thành công với mô hình giá rẻ. Sau hơn 1 thập kỷ, AirAsia đã trở thành cái tên mà khách du lịch châu Á tìm đến khi săn vé máy bay giá rẻ. Trên thực tế, AirAsia dẫn đầu phong trào du lịch tiết kiệm ở châu Á tại thời điểm mà các hãng hàng không quốc gia đang thống lĩnh thị trường. 

Năm 2007, phóng viên Joshua Kurlantzick của tờ New York Times mô tả AirAsia là “người đi tiên phong” cho hàng không giá rẻ ở châu Á. AirAsia hiện đang hoạt động với chi phí trên mỗi ghế/km ở mức 0,023 USD, thấp nhất thế giới. Hãng có năng suất lớn gấp 3 lần so với Malaysia Airlines và đạt hiệu suất sử dụng trung bình đối với mỗi máy bay ở mức 13 giờ/ngày. 

Được thành lập năm 1994, AirAsia bắt đầu đi vào hoạt động ngày 18/11/1996. Ban đầu đây là hãng hàng không trực thuộc tập đoàn nhà nước DRB-Hicom. Tuy nhiên sau đó hãng nhanh chóng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất với khoản nợ khổng lồ 11 triệu USD.

Thương hiệu của AirAsia gắn bó mật thiết với CEO của hãng – doanh nhân người Malaysia Tony Fernandes. Thường xuất hiện với áo phông, quần jeans và chiếc mũ lưỡi trai của AirAsia, ông còn được ví von là “Richard Branson của Malaysia”. 

Giống như cách mà Branson giúp British Airways hùng mạnh trong những năm 1980, Fernandes muốn cạnh tranh với hãng hàng không quốc gia đang nắm thế độc quyền lúc đó là Malaysian Airlines.

Tháng 12/2001, công ty của Tony Fernandes là Tune Air Sdn Bhd mua lại AirAsia với mức giá rẻ mạt 0,26 USD. Mở các đường bay mới và cạnh tranh trực tiếp với hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines bằng mức giá khuyến mại hấp dẫn, Fernandes đã thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động của hãng và có được lợi nhuận chỉ 1 năm sau đó. 

Năm 2003, AirAsia có chuyến bay quốc tế đầu tiên (tới Bangkok). Thái Lan, Singapore và Indonesia trở thành những điểm đến tiếp theo. AirAsia mở đường bay tới Macau năm 2004; tới Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Campuchia năm 2005; tới Brunei và Myanmar năm 2006.

Mô hình kinh doanh của AirAsia tương tự như các hãng hàng không giá rẻ khác: không có ghế hạng nhất hay ghế thương gia và mức giá trung bình chỉ khoảng 48 USD. 

Quý 3 vừa qua, AirAsia có lợi nhuận trước thuế đạt 7,6 triệu USD, chuyên chở gần 5,3 triệu khách. Tổng số khách trong năm 2013 đạt 8 triệu. 

Nhiều người có thể cho rằng việc các hãng hàng không giá rẻ (trong đó có AirAsia) cắt giảm chi phí sẽ dẫn đến tình trạng chuyến bay mất an toàn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy AirAsia hay bất cứ hãng hàng không giá rẻ nào vi phạm an toàn. Đặc biệt, AirAsia chưa hề có “vết đen” nào trong lịch sử bay của hãng. 

Sáng nay (28/12), chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của Indonesia AirAsia đã mất tích khi đang trên đường bay từ thành phố Surabaya của Indonesia tới Singapore. Trên máy bay có 155 hành khách cùng với 7 người thuộc phi hành đoàn. Vị trí nơi máy bay phát tín hiệu cuối cùng ở độ cao 9679m so với mặt nước biển, nằm giữa khu vực Tanjung Pandan tại đảo Belitung và Kalimantan.

Indonesia AirAsia có 49% cổ phần thuộc sở hữu của AirAsia, phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư Indonesia..

Thu Hương

huongnt

BBC,Telegraph

Trở lên trên