Ấn Độ đi tìm hàng tỷ USD tài sản quốc gia ở Thụy Sĩ
Năm 2013, Ấn Độ bị mất khoảng 4,25 nghìn tỷ CHF, phần lớn được cất giấu trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ.
- 21-05-2014Giúp nhà giàu Mỹ trốn thuế, ngân hàng Thụy Sĩ nộp phạt 2,5 tỉ USD
- 07-05-2014Thụy Sĩ và Singapore bỏ “luật im lặng” trong vực ngân hàng
Số tài sản của Ấn Độ cất giữ tại hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ ước tính 1,8 nghìn tỷ đến 2,7 nghìn tỷ frăng Pháp (CHF) hay 2-3 tỷ USD. Năm 2013, Ấn Độ bị mất khoảng 4,25 nghìn tỷ CHF, phần lớn được cất giấu trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ, so với 5,7 nghìn tỷ CHF của năm 2012.
Hàng nghìn tỷ USD bị đánh cắp
Ngay sau khi đắc cử, tân Thủ tướng Narendra Modi và chính phủ của ông đã tuyên bố tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế. Đặc biệt, tìm lại tài sản quốc gia thất thoát đang được cất giữ tại hệ thống ngân hàng nước ngoài. Nếu làm được điều này Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đứng sau Đức, Pháp và Mỹ quan tâm tới nguồn tài sản quốc gia bị biển thủ và cất giấu tại hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ.
Theo Times of India, ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 5/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cho thành lập Cơ quan điều tra đặc biệt (SIT) theo lệnh của Tòa án Tối cao. SIT có nhiệm vụ lập kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ và quyết liệt hơn trong chiến dịch phòng, chống tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền dưới mọi hình thức. SIT bao gồm hai cựu thẩm phán thuộc Tòa án tối cao, một phó thống đốc NHTW và một số quan chức cấp cao thuộc Sở Thuế Vụ, Cục tình báo, Cục Điều tra Trung ương, Tổng cục Thuế và nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết.
Theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (BNS) công bố trung tuần tháng 6/2014, số tài sản của Ấn Độ cất giữ tại hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ ước tính từ 1,8 nghìn tỷ đến 2,7 nghìn tỷ frăng Pháp (CHF) hay 2-3 tỷ USD. Năm 2013, Ấn Độ bị mất khoảng 4,25 nghìn tỷ CHF, phần lớn được cất giấu trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ, so với 5,7 nghìn tỷ CHF của năm 2012. Đây là con số được BNS công khai còn thực tế bao nhiêu thì không ai rõ.
Theo một quan chức của BNS, để chứng minh được đâu là tài sản do tham nhũng, biển thủ hay trốn thuế trong số tài sản gia tăng hàng năm quả là một việc làm "mò kim dưới biển". Thậm chí, nếu phía Ấn Độ không cung cấp thông tin, danh tính cụ thể những người bị tình nghi tham nhũng, trốn thuế, thì Thụy Sĩ cũng không thể cung cấp tên của tất cả chủ tài khoản là người Ấn Độ, bởi làm như vậy là không đúng luật.
Vì lẽ đó, mới đây Thụy Sĩ đã từ chối chuẩn bị một danh sách trốn thuế theo yêu cầu của phía Ấn Độ. Ngay cả khi quy chế toàn cầu về Trao đổi thông tin tự động (AIE) liên quan đến việc hồi hương số tiền cất giấu ở nước ngoài đã được ký kết thì việc tìm lại số tiền bị mất của Ấn Độ cũng không hề dễ dàng chút nào. Ngay cả Mỹ cũng có yêu cầu tương tự, đề nghị Thụy Sĩ cung cấp thông tin từ 350 ngân hàng, nhưng đến nay lượng thông tin thu về thực tế chẳng đáng là bao.
Tại Ấn Độ, số lượng triệu phú, tỷ phú không hề ít, nhưng chỉ có khoảng 35.000 đến 40.000 người đóng thuế thu nhập mỗi năm. Chính điều này làm cho Ấn Độ thất thu nguồn thuế trầm trọng. Thậm chí chính phủ còn bị chỉ trích là quá nhẹ tay đối với hành vi gian lận thuế, xử lý không triệt với các hành vi tham nhũng, biển thủ công quỹ gây kiệt quệ nền kinh tế, làm cho khoảng cách giàu-nghèo ngày càng rộng thêm. Hầu hết các chính sách kinh tế đều đè lên vai người dân nghèo.
Giải pháp mới của chính phủ mới
Để giải quyết những bức xúc nói trên, chính phủ Ấn Độ liên tục có những chiến dịch thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện kịp thời những hành vi trốn thuế, ngăn chặn nguồn tiền tuồn ra nước ngoài để tránh nộp thuế. Đầu năm, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 44, Chính phủ Ấn Độ đã đề nghị phía Thụy Sĩ tham gia Diễn đàn hỗ trợ thông tin cho Ấn Độ về 500 trường hợp bị nghi ngờ tham nhũng, trốn thuế và cất giấu tài sản tại Thụy Sĩ.
Cùng với việc tận dụng tối đa quy chế AIE đã được Thụy Sĩ ký hồi tháng 5/2014, Ấn Độ còn nhờ tới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) để có được các thông tin tài khoản, tài chính liên quan đến công dân Ấn Độ hiện đang có tiền gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ.
Trốn thuế ở Ấn Độ liên tục biến tướng và đa dạng, như buôn lậu, trốn thuế VAT, trốn thuế thu nhập, trốn thuế tài sản, trốn thuế hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt... Ngoài ra, còn có dịch vụ hối lộ để có những bản báo cáo tài chính sai sự thật để trốn thuế hoặc chây lỳ không nộp tờ khai, hay nộp giấy chứng nhận giả để được khấu trừ, miễn giảm thuế hoặc những hành động tham nhũng biển thủ công tuồn ra các nhà băng nước ngoài như tại Thụy Sĩ của các quan chức biến chất là một ví dụ.
Ai cũng biết trốn thuế là phạm luật, bị truy tố và bị phạt nặng nhưng người ta vẫn cứ "thực hành đều đặn". Để hạn chế, nhất là nhắm vào các "trùm sò" chính phủ Ấn Độ mới đây đã áp dụng chương trình khuyến khích, như thưởng cho người báo tin trốn thuế. Ký kết hiệp ước với các quốc gia khác để tránh trốn thuế thông qua các tổ chức tài chính của Ấn Độ.
Đặc biệt cho ra đời Đề án tuân thủ tự nguyện, Đề án Bearer Bond cho phép người sở hữu "tài sản đen" được đầu tư vào trái phiếu đặc biệt. Gần đây nhất, Ủy ban Cải cách quản lý thuế của nhà nước đã được thành lập để thực hiện tái cấu trúc ngành thuế và đơn giản hóa các thủ tục thuế. Trước đó, Ấn Độ đã thành lập một số ủy ban như Ủy ban điều tra Thuế, Ủy ban Cải cách thuế, Ủy ban Kiểm toán thuế, Kiểm toán chuyển đổi giá... nhằm kiểm toán kịp thời các giao dịch bí mật nhằm tránh thất thu thuế cho nhà nước.
Theo Khắc Nam