Ấn Độ - Giờ thì biết ‘nghiêng’ về đâu?
Từng là một “đối tác thân thiết” của Nga, từng là “niềm hy vọng” của Mỹ hay là “chỗ dựa tinh thần” cho châu Á, nhưng gần đây, vị thế của Ấn Độ đã mờ nhạt đi đáng kể.
Trong một bài bình luận đăng ngày 14/5, tờ "Diễn đàn Đông Á" nhận xét mặc dù Ấn Độ phản ứng rất chậm chạp và gần như im tiếng trong việc Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga, song Ấn Độ là một trong số các quốc gia bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại Biển Đông.
Phương Tây đã thất vọng trước phản ứng của Ấn Độ với các hành động của Nga tại châu Âu, không hiểu được sự tính toán cân bằng quyền lực phức tạp của Ấn Độ tại châu Á. Nga lâu nay vẫn là trung tâm trong các nỗ lực của Ấn Độ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.
Từ những hành động riêng rẽ này, các nhà quan sát quốc tế có thể thấy Ấn Độ đã bắt đầu hình thành và thể hiện một thái độ rõ ràng hơn trong các sách lược ngoại giao của mình.
Trong Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ là nền dân chủ theo kiểu phương Tây duy nhất có quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ với Liên Xô và kết quả là Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ hầu hết các loại vũ khí và các công nghệ chiến lược.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn giữ phần nào sự xa cách chính trị với Liên Xô, và vẫn duy trì các quan hệ với phương Tây và châu Á. Việc Ấn Độ tự do hóa kinh tế trong những năm 1990 và những nỗ lực "kéo Ấn Độ trở về" của chính quyền Bush đã khiến các quan hệ của Ấn Độ với Nga giảm đi tầm quan trọng chiến lược.
Sau đó các mối quan hệ quân sự, chính trị và kinh tế ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Nga đã khiến Ấn Độ phải tính toán lại an ninh khu vực của mình.
Ngày nay, Nga đặc biệt quan trọng với Ấn Độ trong việc định hình cán cân quyền lực châu Á. Những mối quan hệ chính trị mạnh mẽ với Nga là phần không thể tách rời trong chiến lược của Ấn Độ nhằm đối phó với sự không chắc chắn hiện nay trong chính sách của Mỹ đối với châu Á, nhất là những hậu quả không mong muốn từ sự can dự của Mỹ với Pakistan và những tác động chính trị tiêu cực giữa một Trung Quốc trỗi dậy và một nước Mỹ suy yếu.
Các lợi ích của Nga và Ấn Độ tại Đông Á là giống nhau và hai nước không có xung đột lợi ích trực tiếp trong khu vực này. Sự hợp tác quân sự hiện nay của Nga và Ấn Độ với Việt Nam thể hiện rõ sự cùng quan tâm tới một nước Việt Nam hùng mạnh, có thể nổi lên là một quốc gia hành động độc lập trong khu vực. Việc Ấn Độ muốn thăm dò dầu khí tại vùng biển Việt Nam, một phần là do Nga đang tăng cường hợp tác hải quân với Việt Nam.
Cuối cùng, quan hệ đối tác của Ấn Độ với Nga sẽ bị tác động mạnh bởi cách tiếp cận của Moskva đối với hai mối quan hệ song phương quan trọng khác là Nga - Pakistan và Nga - Trung. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã quan ngại về khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Islamabad. Cho đến nay, Ấn Độ vẫn thành công trong việc ngăn Nga bán vũ khí cho Pakistan và có chính sách "ngang bằng" với cả New Delhi và Islamabad. Bất chấp áp lực không ngừng từ Pakistan, chưa có Tổng thống Nga thời hậu Liên Xô nào đến Islamabad.
Việc duy trì quan hệ đặc biệt của Ấn Độ với Nga khó khăn hơn nhiều trong bối cảnh mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Moskva và Bắc Kinh ngày càng sâu sắc. Ấn Độ nhận thức được sự căng thẳng tiềm ẩn trong mối quan hệ Nga - Trung, nhưng cả Moskva và Bắc Kinh đều tìm cách tận dụng sự cộng tác với nhau trong nỗ lực hạn chế sức mạnh của Mỹ.
Ấn Độ, cũng như nhiều nước châu Á khác quan ngại rằng những lợi ích trong nước sẽ tiếp tục làm xói mòn chính sách "trở lại châu Á" của Mỹ. New Delhi cũng quan ngại về mức độ cam kết của Nga đối với châu Á. ASEAN đang nóng lòng đưa Nga và Mỹ tham gia các cuộc thảo luận về cấu trúc an ninh khu vực. Tuy nhiên, phần lớn các nước trong khu vực đang thất vọng trước sự tham gia mờ nhạt của Nga trong đối thoại an ninh châu Á do Moskva bận rộn với việc tự khẳng định mình tại châu Âu và chống Mỹ.
Đối với các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc, vấn đề không phải là sự quyết đoán của Nga, mà là việc Moskva không muốn đóng vai trò hiệu quả trong an ninh châu Á. Một cuộc đối đầu kéo dài giữa Nga và phương Tây tại châu Âu sẽ có những hậu quả địa chính trị sâu sắc đối với châu Á, khi thúc đẩy sự chuyển dịch sức mạnh khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Giống như trước đây, Ấn Độ sẽ thấy ngày càng khó dựa vào Nga để hạn chế sức mạnh của Trung Quốc tại châu Á.
Các cường quốc châu Á, trong đó có Ấn Độ, có thể phải tìm giải pháp riêng để đối phó những hậu quả của việc dịch chuyển quyền lực, và việc phương Tây và Nga bận tâm với an ninh châu Âu. Nhiều nước châu Á nhỏ hơn không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận ưu thế của Trung Quốc. Một số nước lớn, nhất là những nước có những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết với Trung Quốc, sẽ phải tập trung vào việc xây dựng những liên minh khu vực hùng mạnh để đối chọi lại sức mạnh của Trung Quốc.
Theo Phan Sương