Ăn trưa với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Nhân vật mà phóng viên Gideon Rachman của FT phỏng vấn là Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông chia sẻ quan điểm về chính sách đối ngoại của Singapore cũng như những vấn đề nóng bỏng hiện nay của thế giới.
"Ăn trưa với FT" (Lunch with the FT) là chuyên mục đặc biệt của tờ báo nổi tiếng trong giới tài chính Financial Times. Các phóng viên của FT sẽ có bữa trưa kết hợp phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay. Trong bài báo này, nhân vật mà phóng viên Gideon Rachman của FT phỏng vấn là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Chúng tôi xin lược dịch và giới thiệu tới bạn đọc.
Khi Thủ tướng Singapore ngồi vào bàn ăn, tôi vẫn còn khá bối rối điều chỉnh 2 cái máy ghi âm của mình, đề phòng trường hợp một trong hai máy có vấn đề. Ngay sau đó, Lý Hiển Long mỉm cười thân thiện và nói: “Cục tình báo quốc gia Hoa Kỳ (NSA) sẽ gửi lại cho anh 1 bản copy đấy”.
Đó là một lời bông đùa khá bất ngờ từ một người đàn ông mà tôi vẫn cho là có hình tượng mẫu mực. Ông được biết đến như một chính trị gia tài giỏi và có sức ảnh hưởng lớn. Ông có vóc dáng cao gầy, mái tóc điểm bạc, mặc bộ comple đen phối với cà vạt. Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất trong bữa ăn là việc ông Lý thường xuyên cười.
Trong suốt vài tiếng đồng hồ tiếp theo, tôi được chứng kiến rất nhiều điệu bộ cười của ông, từ cười mỉm, khúc khích cho đến cười to sảng khoái – khi đề cập đến các vấn đề Nhật Bản chiếm đóng Singapore trong chiến tranh thế giới thứ II, sự can thiệp của phương Tây vào khủng hoảng chính trị ở Ukraina hay vai trò của Singapore trong thị trường tài chính quốc tế. Tôi có thể khẳng định rằng không phải ông cố ý cười; đó chỉ là cách ông tiếp cận và thảo luận về những vấn đề phức tạp.
Chúng tôi gặp nhau lúc 11h sáng tại Park Terrace thuộc khách sạn Royal Garden, London. Vẫn còn khá sớm để bắt đầu bữa ăn nhưng đây là thời gian rảnh rỗi duy nhất mà thư ký có thể sắp xếp bên cạnh các sự kiện khác trong chuyến thăm châu Âu lần này của ông: các buổi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân ở Hà Lan, gặp gỡ với các doanh nghiệp và thủ tướng Anh – David Cameron, tham dự sự kiện Singapore Day được tổ chức ở một công viên phía đông London với khoảng 10.000 người tham gia vào cuối ngày.
Với sự cẩn trọng vốn có của người Singapore, thư ký của ngài thủ tướng thậm chí gửi mail cho tôi về thực đơn bữa trưa từ vài ngày trước và giúp tôi đặt bàn. Chúng tôi ngồi ở vị trí góc khuất, nhìn ra khu vườn Kensington với ánh nắng ấm áp rải trên cửa sổ. Món khai vị - cá hồi và terrine cua được mang lên khá nhanh chóng. Bởi vì còn khá sớm để ăn trưa, chúng tôi đều bắt đầu uống nước.
Con trai của Lý Quang Diệu
Lý Hiển Long – 62 tuổi, trở thành vị Thủ tướng thứ ba của Singapore vào năm 2004. Những kinh nghiệm trước đó của ông tỏ ra khá hữu ích với sự nghiệp chính trị sau này. Ông là con trai của Lý Quang Diệu – vị Thủ tướng đầu tiên cũng là nhà chính trị có ảnh hưởng nhất Singapore.
Từ thuở nhỏ, ông đã được giáo dục bằng cả hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Trung phổ thông (Mandarin). Ông học đại học tại Cambridge, nơi ông tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngày toán học và loại ưu chuyên ngành máy tính năm 1974.
Hơn một thập kỷ sau đó, ông phục vụ trong quân đội, phấn đấu đến cấp bậc thiếu tướng, và cuối cùng tham gia chính trị. Bên cạnh một sự nghiệp “mạ vàng” xuất sắc, cuộc sống đời tư của ông phải gánh chịu khá nhiều mất mát. Người vợ đầu tiên của ông mất năm 1982 ngay sau khi con trai thứ hai của họ ra đời. Chính ông cũng phải chiến đấu với căn bệnh ung thư vào những năm 1990.
Tại Cambridge, ông được mời giữ lại trường để tiếp tục nghiên cứu. Tôi đặt câu hỏi liệu ông có bị hấp dẫn bởi lời đề nghị khi đó? Ông khá đăm chiêu và trả lời: “Đó là một cơ hội rất tốt, nhưng liệu bạn có thể không? Tôi đi học nhờ vào học bổng chính phủ và cần quay trở lại phục vụ đất nước.”
Khi còn nhậm chức Thủ tướng, ông Lý “lớn” liên tục nhấn mạnh cần tăng cường an ninh của Singapore – vận động người dân chăm chỉ làm việc và thận trọng. Cảnh giác như vậy là điều dễ hiểu bởi Singapore là một đất nước nhỏ bé, chỉ tương đương một ‘thành phố’ với dân số 5,3 triệu người, giành được độc lập sau năm 1965 sau khi thoát khỏi liên bang Malaysia. Nhưng kể từ đó, Singapore đã đạt được thời gian hòa bình và phát triển thịnh vượng trong một thời gian khá dài. Hiện nay, đất nước này nằm trong top các nước có thu nhập GDP trên đầu người cao nhất thế giới. Vì vậy, tôi hỏi ông rằng liệu Singapore vẫn còn cảm thấy bất an trong thời điểm hiện tại.
“Nhìn chung, người dân Singapore hiện nay cảm thấy được đảm bảo hơn”. Tuy vậy, ông tiếp tục với một thoáng cau mày nhẹ: “Một trong những nhiệm vụ của tôi là luôn nhắc nhở người dân rằng đây chỉ là kết quả của sự cố gắng liên tục, chúng ta không được buông lỏng cảnh giác. Bạn không cần quá quan trọng hóa vấn đề nhưng chấp nhận rủi ro là điều cần thiết”. Về lâu dài, người dân Singapore luôn phải cẩn trọng. “Không có nhiều đất nước nhỏ có tuổi thọ lâu dài, ngoại trừ Venice – vùng đất đã tồn tại hơn 900 năm qua theo một hình thức chuyển biến riêng biệt".
Chính sách đối ngoại
Một trong những biện pháp để đảm bảo an ninh là giữ mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng “lớn” xung quanh. Singapore có vị trí khá đặc biệt, là người bạn tin cậy của cả Trung Quốc và Mỹ. Người Singapore là những nhà đầu tư sớm nhất và tin tưởng vào nền kinh tế Trung Quốc; chính quyền Trung Quốc cũng coi trọng với quốc đảo này trong các chính sách kinh tế và chính trị. Tuy vậy, Singapore lại chấp nhận để hải quân Mỹ đóng quân tại đây. Tôi đã hỏi ông rằng Trung Quốc phản ứng thế nào khi Singapore tiếp tục ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. “Họ không thích điều này, nhưng họ có thể hiểu và chấp nhận” ông trả lời thẳng thắn.
Giữ mối quan hệ thân thiết với các cường quốc lớn là một chiến lược thông minh để đảm bảo nền hòa bình cho Singapore. Tuy vậy, căng thẳng đang có xu hướng gia tăng trong khu vực, đặc biệt là sau tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nhiều nước phương Tây gây áp lực trước chính sách giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng ông Lý cũng cho rằng Nhật Bản đang có nhiều thay đổi, chính phủ đang cố gắng khẳng định “chủ quyền dân tộc” đặc biệt trong các vấn đề giải thích lịch sử. “Câu hỏi được đặt ra là thế nào là “xâm lược”? nếu không có định nghĩa cụ thể, hành động gây hấn trong chiến tranh của Nhật Bản là gì?”
Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Singapore bị chiếm đóng bởi Nhật Bản, vì vậy tôi không biết liệu người dân Singapore có nên nghĩ rằng “Nhật Bản đã xâm lược đất nước họ” không.
Giọng điệu của Thủ tướng dường như mang thêm nhiều tình cảm cá nhân. Ông hướng người về phía trước và lên cao giọng, mang vẻ hoài nghi. “Đúng vậy, họ đã đến Singapore và giết chế hàng chục nghìn người, trong đó thậm chí suýt bao gồm cả bố tôi. Nếu ông kém may mắn hơn, tôi đã không được ngồi ở đây hôm nay!” Ông chợt cười lớn xót xa: “Nhưng bác tôi đã ra đi – và không bao giờ trở lại”.
Từng có thành kiến với các mạng xã hội, hiện nay ông Lý đã có một cái nhìn hoàn toàn khác. “Các đồng nghiệp của tôi tham gia Internet và các mạng xã hội như Facebook, họ thấy nó rất có ích vì vậy thuyết phục tôi dùng thử. Anh thấy đấy, mọi chuyện vẫn ổn miễn là chúng ta quản lý đúng mức… tuy vậy, đôi khi tôi vẫn để lỡ vài thông tin quan trọng”. Sáng sớm hôm nay, ngài thủ tướng đã đăng một bức ảnh chụp cảnh mặt trời mọc ở London lên Facebook. Vận động cử tri – thông qua thực tế và thậm chí trên Facebook – là điều mà các lãnh đạo chính trị nên làm.
Thảo Phương