Apple sẽ đem hoạt động sản xuất quay trở lại nước Mỹ?
Hôm qua (6/12), CEO Tim Cook của Apple thông báo sẽ chuyển 1 phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ. Điều này có ý nghĩa gì đối với kinh tế Mỹ?
Từ nhiều năm nay, mọi người đều có chung quan điểm cho rằng xu hướng hoạt động sản xuất dịch chuyển ra nước ngoài là tất yếu do những yếu tố về thương mại, lao động và vốn. Chính Steve Jobs cũng nhận định "những việc làm này sẽ không bao giờ quay trở lại nước Mỹ".
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu nhận định này không chính xác? Mới đây, tờ The Atlantic vừa đăng tải bài viết có tiêu đề "The Insourcing Boom" được viết bởi Charles Fishman cho rằng hoạt động sản xuất đang quay trở lại với nước Mỹ.
Fishman đẫn chứng câu chuyện của General Electric (GE) để minh họa cho câu chuyện này. Trong năm vừa qua, General Electric đã đưa tổ hợp khổng lồ Appliance Park ở Louisville, Kentucky hoạt động trở lại. Trong thời kỳ đỉnh cao hồi những năm 1970, nhà máy này có số lượng nhân sự lên tới 23.000 người. Tuy nhiên, số lượng sụt giảm xuống chỉ còn 1.863 người vào năm ngoái. Thậm chí, hồi năm 2008, CEO Jeffrey Immelt đã tìm kiếm đối tác để bán nhà máy.
Tuy nhiên, sau đó, GE lại quyết định đưa nhà máy hoạt động trở lại. Tính đến cuối năm nay, số nhân công ở đây đã tăng lên 3.600 người và GE vẫn có kế hoạch tăng số lượng lao động.
Có rất nhiều lý do đằng sau sự hồi sinh này: giá nhiên liệu trên đất Mỹ đã giảm xuống trong khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng lên. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất chính là chuyển những nhà máy sang Trung Quốc khiến GE bị mất kiểm soát đối với dây chuyền sản xuất. Nhà máy ở thế giới đang phát triển quá xa xôi và trở thành chiếc "hộp đen". Các kỹ sư Mỹ gửi đến đó máy móc thiết bị nhưng lại không biết hoặc không quan tâm sản phẩm được làm ra như thế nào. Họ chỉ biết rằng mọi thứ đều ổn.
Kết quả là, cách thức tổ chức này sẽ khiến GE mất rất nhiều chi phí tiềm ẩn. Trong bài báo, Fishman đã mô tả kế hoạch xé nhỏ sản phẩm tại Appliance Park. Khi sản xuất chiếc bình nóng lạnh công nghệ cao, hãng đã gặp phải khó khăn: sản phẩm này khó lắp ráp đến nỗi không có ai muốn làm việc này. Thay vào đó, họ thiết kế lại sản phẩm, cứ 5 chi tiết lại bỏ đi 1 chi tiết. Điều này giúp tiết kiệm 25% nguyên vật liệu. Các đường ống khó hàn có thể bị loại bỏ. Các công nhân lắp ráp sản phẩm sẽ được quan sát quá trình thiết kế sản phẩm trên bản vẽ. Chỉ mất 2 tiếng đồng hồ để các công nhân ở Louisville hoàn thành sản phẩm, thấp hơn nhiều so với thời gian 10 tiếng ở Trung Quốc.
Do đó, điều nghịch lý đã xảy ra: chi phí sản xuất ở nhà máy đắt đỏ đặt tại Kentucky đã giảm xuống thấp hơn so với nhà máy ở Trung Quốc. Cả chi phí nguyên vật liệu cũng như chi phí lao động đều đã giảm xuống. Hiệu quả sản xuất tăng lên và chất lượng cũng tăng lên.
Sản phẩm làm ra ở Trung Quốc có giá 1.599 USD trong khi sản phẩm làm ra ở Louisville chỉ có giá 1.299 USD, giảm gần 20%.
Fishman đã rút ra 1 điều thú vị: xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước đang phát triển trong suốt thập kỷ vừa qua chỉ là điều nhất thời chứ không phải là kết quả của qui luật lợi thế cạnh tranh. Chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước phát triển có thể mang lại nhiều lợi thế. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm soát có thể khiến lợi thế chỉ là điều thoáng qua.
Không thể khẳng định chắc chắn rằng đây chính là lý do Apple chuyển nhà máy về Mỹ. Tuy nhiên, chắc chắn đây là 1 quyết định đúng đắn đối với 1 công ty coi trọng kiểm soát chất lượng và thiết kế như Apple. Chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ, Apple có thể kiểm soát mọi khâu của quá trình sản xuất và từ đó nâng cao lợi ích kinh tế.
Có thể, ngành sản xuất của nước Mỹ sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ hùng mạnh như trong quá khứ. Tuy nhiên, chắc chắn hoạt động sản xuất sẽ phát triển hơn so với thập kỷ vừa qua.
Thu Hương