MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắc Kinh chịu đựng được đến đâu?

31-07-2013 - 13:42 PM | Tài chính quốc tế

Giới lãnh đạo Trung Quốc cho tới nay dường như vẫn ngồi yên trước suy thoái kinh tế và không muốn đưa ra kích thích mạnh mẽ. Nhưng liệu họ có thể còn bình tĩnh khi kinh tế ngày càng tụt dốc ?

Vốn có sức mạnh tưởng chừng như không thể quật ngã, giờ đây nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển theo một xu hướng hoàn toàn trái ngược: suy giảm mạnh. Tăng trưởng GDP quý II chỉ ở mức 7,5% sau khi đạt 7,9% và 7,7% trong hai quý trước đó. Con số 0,4% tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nếu tính theo năm, con số này có nghĩa là kể từ năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mất đi khoảng 1/10 đà tăng trưởng.

Trong bối cảnh ấy, câu hỏi xuất hiện trong tâm trí của mọi người là: liệu các lãnh đạo của Trung Quốc có thể chịu đựng được sự suy giảm ở mức độ nào? Rất nhiều người (trong đó có cả các quan chức chính phủ cấp cao ở phương Tây) tin rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép tăng trưởng GDP hàng năm xuống dưới 8% bởi tăng trưởng ở mức đó sẽ gây nên bất ổn xã hội. Lý lẽ được đưa ra thường là tăng trưởng chậm lại sẽ khiến thất nghiệp bùng nổ và đó là một cơn ác mộng.

Tăng trưởng không liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp?

Tuy nhiên, sự thực có phải như vậy? Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng không có nhiều ảnh hưởng đối với tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc. Nguyên nhân nằm ở mô hình tăng trưởng của Trung Quốc: tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư chứ không phải vào lao động.

Các công trình như đường sá, cảng biển hay những nhà máy công nghiệp tốn rất nhiều tiền để xây dựng nhưng cần ít công nhân để vận hành. Kết quả là, mỗi đồng nhân dân tệ được đầu tư thêm vào nền kinh tế sẽ tạo ra ít việc làm hơn. Từ năm 2004 đến 2009, trong khi lượng vốn đầu tư của Trung Quốc tăng gấp 4, số việc làm mới chỉ tăng 15%. 

Một nhân tố khác ảnh hưởng đến thị trường lao động Trung Quốc là dân số đang già hóa. Qui mô lực lượng lao động đang bị co hẹp. Do đó, kinh tế suy giảm không thể ngay lập tức khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên nhanh chóng. 

Chắc chắn là, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn tăng trưởng ở mức cao và cân bằng hơn là ở mức thấp. Tuy nhiên, họ cũng nhận thức được những rủi ro khổng lồ nếu tình trạng tăng trưởng bị biến dạng kéo dài quá lâu. Kể từ năm 2008, Bắc Kinh đã duy trì tăng trưởng bằng cách bơm tín dụng vào nền kinh tế (không ít trong số này được đổ vào bất động sản đầu cơ, các ngành công nghiệp thừa sản lượng và các dự án cơ sở hạ tầng bỏ hoang). Tình trạng này tiếp tục cũng đồng nghĩa với "chiếc ghế" lãnh đạo bị lung lay. 

Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc cho tới nay dường như vẫn ngồi yên trước suy thoái kinh tế.

Nhưng liệu họ có thể còn bình tĩnh khi kinh tế ngày càng tụt dốc đến một mức nào đó?

Khi nào Bắc Kinh sẽ hành động?

Thực tế cho thấy sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc đòi hỏi những phản ứng quyết đoán của các nhà lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, các yếu tố đằng sau những tính toán chính trị của họ không đơn giản như số lượng lao động thất nghiệp hay các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng, mà rất phức tạp và thay đổi không ngừng. 

Yếu tố quan trọng hơn cả quyết định đến phản ứng của Bắc Kinh là sự vững vàng của những lãnh đạo cấp cao. Thông thường, các nhà lãnh đạo thiếu tự tin hơn có xu hướng phản ứng kém bình tĩnh mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, như đã thấy trong giai đoạn 2008-2009. Ngược lại, các nhà lãnh đạo tự tin hơn cho thấy sự phản ứng tốt hơn với khủng hoảng.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997-1998 ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc, Thủ tướng tại thời điểm đó - ông Chu Dung Cơ, thay vì mạnh tay chi tiền, đã triển khai tái cơ cấu hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhà nước đang hấp hối, kết quả là 35 triệu doanh nghiệp ngừng sản xuất. 

Một nhân tố thiết yếu khác ảnh hưởng đến phản ứng của Bắc Kinh là tác động của suy thoái kinh tế đối với các nhóm lợi ích. Trong nền kinh tế định hướng đầu tư của Trung Quốc, tăng trưởng chậm có nghĩa là đầu tư ít hơn. Các quan chức địa phương không còn thu lợi từ các dự án và mất cơ hội đánh bóng bản thân và phát triển sự nghiệp. Họ sẽ vận động nới lỏng tín dụng và nhen nhóm lại tăng trưởng. Trong trường hợp này, hoạch định chính sách kinh tế cấp cao không bị ảnh hưởng vì mối quan hệ giữa tăng trưởng và việc làm mà bởi các chính trị gia “liêm khiết” này.

Như vậy, nhiều yếu tố, một số là vô hình đã quyết định sức chịu đựng của Bắc Kinh với suy thoái kinh tế mà không có con số tăng trưởng kỳ diệu nào sẽ làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc suy nghĩ hay hành động khác đi.

Hằng Dương

huongnt

The Diplomat

Trở lên trên