MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất bình đẳng gây nên khủng hoảng tài chính?

01-11-2012 - 19:44 PM | Tài chính quốc tế

Obama và Romney có quyền có những quan điểm khác nhau, nhưng dù quan điểm đó là gì, có một vấn đề cần cải cách mà họ nên nắm bắt : thúc đẩy hiệu quả tăng trưởng và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng.

Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu sử dụng tính linh động về thu nhập qua các thế hệ để đánh giá sự di động xã hội ở các quốc gia khác nhau. Miles Corak, một nhà kinh tế người Canada, lần đầu tiên minh họa kết quả của những nghiên cứu này trên một đường đồ thị. Đồ thị này được gọi là “Đường cong Gatsby vĩ đại” (xem hình dưới), và nó cho thấy những nước có hệ số Gini cao hơn thường có tính di động xã hội liên thế hệ thấp hơn. 

 

Lợi ích lâu dài 

Theo cách nào đó, mối liên hệ giữa khoảng cách thu nhập ngày một rộng hơn và tính di động xã hội thấp hơn không hề đáng ngạc nhiên. Từ việc học violon tới phụ đạo cho các kỳ thi, các bậc phụ huynh giàu có hơn có thể đầu tư nhiều hơn cho con em mình, tăng cơ hội cho chúng được theo học những trường đại học tốt nhất. 

Để xây dựng chế độ nhân tài cần triển khai rộng rãi các dịch vụ cơ bản, đặc biệt là giáo dục nhằm mang đến cho tất cả mọi người một khởi đầu hợp lý. Điều đó chưa bao giờ trở thành hiện thực ở các nước nghèo với những dịch vụ xã hội còn hết sức thô sơ. Dần dần, điều đó cũng không có vẻ tồn tại ở những nước giàu, điển hình là Mỹ. 

Tuy nhiên, việc bất bình đẳng dẫn tới sự di động xã hội giảm là không thể tránh được. Những nước như Thụy Điển đầu tư mạnh cho các các dịch vụ công có nhiều khả năng hơn trong việc ngăn chặn vấn đề bất bình đẳng thu nhập khỏi nguy cơ giảm cơ hội. Còn Mỹ Latinh lại cho thấy việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục ngay từ đáy xã hội có thể nâng cao tính di động ngay cả ở những nơi có sự phân biệt tầng lớp nhất. 

Tỉ lệ tăng trưởng thấp hơn không phải là dấu hiệu duy nhất của những thiệt hại kinh tế do bất bình đẳng gây ra. Một dấu hiệu khác có thể là sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. 

Trong một cuốn sách có ảnh hưởng gần đây mang tên “Fault Lines”, Raghuram Rajan đã chỉ ra tình trạng bất bình đẳng là nguyên nhân cơ bản của cú trượt ngã năm 2008 của Mỹ. Do thu nhập của những người dân Mỹ ít trình độ bị suy giảm, các chính trị gia khuyến khích cho vay thế chấp 1 cách liều lĩnh để giúp người nghèo có thể cải thiện cuộc sống của họ bằng vay mượn, thậm chí để mua những căn nhà với giá cao hơn rất nhiều so với khả năng chi trả của mình. 

Robert Frank, một nhà kinh tế tại Đại học Cornell, bằng việc lập ra "các tầng chi tiêu" đã chứng minh thói quen chi tiêu của người giàu ảnh hưởng đến những người thuộc tầng lớp trung lưu trở xuống. (Một trong những lý do cho việc họ cũng muốn con em mình được học những trường tốt nhất, và giá nhà thường phản ánh chất lượng của các trường học địa phương). 

Những học giả khác đã phát hiện ra mối liên hệ giữa bất bình đẳng và khủng hoảng tài chính. David Moss tại Trường Kinh doanh Harvard nhận thấy rằng tỷ lệ thất bại của các ngân hàng Mỹ có liên quan tới bất bình đẳng.

Tuy nhiên, mối liên hệ này không phải là phổ biến. Ở Đức và đặc biệt là ở Trung Quốc, bất bình đẳng tăng cao khuyến khích tiết kiệm thay vì chi tiêu. Nới rộng khoảng cách thu nhập cũng không phải nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính. 

Michael Bordo từ Đại học Rutgers và Christopher Meissner từ Đại học California đã xem xét 14 vụ đổ vỡ tài chính ở các nước giàu từ năm 1920 đến năm 2008 và thấy rằng các cuộc khủng hoảng thường theo sau các vụ bùng nổ tín dụng, nhưng đôi khi chỉ là do sự leo thang của nạn bất bình đẳng. 

Trong khi đó, Anthony Atkinson và Salvatore Morelli của Đại học Oxford đã nghiên cứu các cuộc khủng hoảng tài chính tại 25 quốc gia trong vòng 100 năm qua và đi đến kết luận không có mối quan hệ mang tính hệ thống nào giữa bất bình đẳng và thảm họa kinh tế vĩ mô.

Bởi vì các mức độ và nguồn gốc của sự bất bình đẳng đều khác nhau nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi không có mối quan hệ nào giữa khoảng cách thu nhập và khủng hoảng tài chính. Điều đó không có nghĩa là vấn đề bất bình đẳng không bao giờ làm cho sự bất ổn định kinh tế vĩ mô trầm trọng thêm, nhưng đáng tiếc là các nhà nghiên cứu về bất bình đẳng thường phóng đại những nhận định của mình.  

Trong cuốn sách "The Spirit Level" của hai nhà dịch tễ học người Anh là Richard Wilkinson và Kate Pickett được xuất bản trong năm 2009, họ khẳng định rằng tình trạng bất bình đẳng ở mức cao có liên quan tới việc tỷ lệ tội phạm giết người tăng, tuổi thọ thấp hơn, nhiều người béo phì hơn và tất cả những vấn nạn khác. 

Giải thích theo y học, sự bất bình đẳng “tồn tại ngay dưới da của bạn” do áp lực về khoảng cách và địa vị xã hội làm tăng nồng độ cortisol.

Cuốn sách đã gây xôn xao ngay khi xuất bản lần đầu tiên tại Anh. Tuy nhiên, những kết luận của cuốn sách bị cho là vớ vẩn. Trong một bài phê bình của Viện Dân chủ, Christopher Snowdon đã chỉ ra rằng hai tác giả đã chọn lọc số liệu nhưng những nghiên cứu cẩn thận hơn cho thấy mặc dù mối quan hệ giữa thu nhập và sức khỏe cá nhân khá chặt chẽ (những người giàu hơn thường khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn người nghèo), mối liên hệ giữa khoảng cách thu nhập ở các quốc gia và sức khỏe người dân lại rất mờ nhạt.

Những tuyên bố phóng đại về thiệt hại do bất bình đẳng mà 2 ứng viên Tổng thống Mỹ đưa ra đã đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc tranh luận vốn đã căng thẳng. Mỗi người hoàn toàn có quyền có những quan điểm khác nhau, nhưng dù quan điểm của họ là gì, luôn có một vấn đề cần cải cách mà họ nên nắm bắt đó là thúc đẩy hiệu quả tăng trưởng và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng. 

Trần Thùy

huongnt

Economist

Trở lên trên