MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến siêu lạm phát thành ... giảm phát

28-01-2016 - 16:06 PM | Tài chính quốc tế

Việc chuyển sang sử dụng USD khiến nền kinh tế Zimbabwe vốn đã què quặt nay lại gặp thêm nhiều khó khăn

Loại bỏ lạm phát sau khi đổi tiền

Zimbabwe, một quốc gia từng phải vật lộn với siêu lạm phát đến nỗi ngân hàng trung ương nước này không có đủ tiền mua giấy để in những tờ tiền mệnh giá hàng nghìn tỷ USD hiện đang phải đối mặt với một vấn đề mang tính thời sự hơn: mắc kẹt trong giảm phát.

Giống như Anh, Nhật Bản, Mỹ và những nước đang phải đối phó với hậu quả của lực cầu yếu và giá dầu rẻ, Zimbabwe đang bị đe dọa nhiều hơn bởi viễn cảnh giảm phát thay vì lạm phát.

Theo các ước tính chính xác nhất về kinh tế Zimbabwe, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ 2 đến 4% trong năm ngoái. Nhiều nhà kinh tế tin rằng giảm phát có thể kéo dài trong năm 2016 khi nhu cầu giảm và các công ty thiếu tiền mặt sẽ sa thải nhân công hoặc ngừng trả lương.

Giới chức ở quốc gia phía nam Châu Phi gồm 14 triệu người này đã dừng in đô-la Zimbabwe vào năm 2009 và chuyển sang cơ chế dùng ngoại tệ mạnh mà chủ yếu là USD. Sau khi đổi đồng tiền yếu nhất thế giới sang đồng tiền mạnh nhất, Zimbabwe đã bắt đầu nhập khẩu giảm phát. Giá hàng hóa được giao dịch qua biên giới với Nam Phi, nơi đồng rand đã giảm gần một phần ba so với USD chỉ trong một năm, đã sụt giảm mạnh.

Ở trung tâm thủ đô Harare, nơi mà không lâu trước giá một bữa ăn có thể tăng giá ngay cả khi bạn đang thưởng thức nó, giá cả đã được cắt bỏ nhiều số không phía sau. Ở chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Chicken Inn, mua hai miếng gà rán có giá 3 USD được khuyến mãi thêm một miếng cho phù hợp với tình trạng giảm phát.

Ở ven đường, những người bán hàng rong của quốc gia mà chỉ khoảng 750.000 lao động phi nông nghiệp có việc làm chính thức, đang mời chào những nải chuối có giá 1 USD và chùm nho 2 USD qua cửa xe ô tô. Những bao thuốc lá giá 1 USD chứa những túi chỉ 2 có điếu thuốc được thiết kế dành riêng cho người hút thuốc thiếu tiền ở Zimbabwe đã giảm xuống còn 10 xu Mỹ. Một bình gas nấu ăn nhỏ có giá 1,50 USD.

Giá giảm không phải là một điều mới mẻ. Trở lại năm 2008 khi lạm phát hàng năm đạt đỉnh ở 89,7 triệu lũy thừa sáu phần trăm – tương đương với 9 theo sau bởi 22 số 0, một quả trứng có giá hơn một tỷ đô-la, ấy là nếu bạn có thể tìm thấy.

Đối với một số người, sự biến mất của đồng tiền Zimbabwe là chấp nhận được với lòng kiêu hãnh quốc gia. “Điều này thật tuyệt vời,” Patrick Zhuwao, cháu trai của Tổng thống Mugabe và là bộ trưởng phụ trách chương trình “nội địa hóa” các ngành công nghiệp do nước ngoài kiểm soát của chính phủ. “Chúng tôi có đồng tiền ổn định nhất khu vực.”

Ông Zhuwao cho biết nền kinh tế Zimbabwe giờ năng động hơn những gì các con số thống kê chính thức có thể chỉ ra.

Tương lai không tươi sáng

Nhưng giảm phát cũng là một dấu hiệu của hỗn loạn có thể đẩy nước này vào vòng xoáy giảm cầu và sản xuất. Theo Tổng liên đoàn Công nghiệp Zimbabwe, năng suất công nghiệp của nước này đã giảm từ 57% vào năm 2011 xuống vỏn vẹn 34%.

Chính phủ cũng không có các công cụ để kích hoạt nền kinh tế vốn dựa hoàn toàn dòng chảy USD thu được từ xuất khẩu và kiều hối của người Zimbabwe ở nước ngoài. Không thể in USD, ngân hàng trung ương nước này gần như không có chính sách tiền tệ độc lập. Chỉnh phủ có ngân sách eo hẹp khi mà phải chi gần 90% thu nhập để trả lương

“Đối với những người bán rong trên đường phố, giảm phát dường như là việc tốt,” một chủ ngân hàng địa phương nói. “Nhưng các nhà kinh tế học sẽ nói rằng nền knih tế đang trì trệ. Nước này đang trải qua một giai đoạn phi công nghiệp hóa.”

Ở Mbare Musika, một khu chợ không chính thức ngổn ngang những quầy hàng tạm bợ bán các mặt hàng từ phân voi làm thuốc đến quần áo cũ, ngay cả những người bán hàng rong cũng không lấy gì làm phấn khởi. Tiến sĩ B. Sithole, chủ một quầy háng bán thuốc truyền thống, gồm sừng động vật và cây cỏ dại phàn nàn về tình hình kinh doanh ế ẩm. “Vì không có tiền nên giá cả cũng đi xuống,” ông nói.

Ranga, người điều hành một cửa hàng bách hóa gần đấy dù miễn cưỡng cho biết tên vì đã chỉ trích các chính sách của chính phủ cũng tỏ ra đồng tình. Anh nhún vai nhớ lại những năm tháng siêu lạm phát “điên loạn”. Nhưng, đưa mắt về những giá hàng trống một nửa anh nói thêm rằng sự ổn định của giá cả do đô-la hóa nền kinh tế đem lại đã làm việc kinh doanh của anh ế ẩm.

Anh nói người dân có ít tiền hơn, dù tính theo đồng đô-la Zimbabwe đã biến mất hay đồng đô-la Mỹ hùng mạnh. “Nếu nền kinh tế còn không có khu vực sản xuất, dùng đồng tiền nào cũng như nhau mà thôi", anh nói.

Đức Long

FT

Trở lên trên