MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam tại WEF Đông Á

23-05-2014 - 07:59 AM | Tài chính quốc tế

Ở Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã xây dựng nhiều mô hình hợp tác giữa nhà nước – tư nhân để giúp gia tăng giá trị của người nông dân trong chuỗi sản xuất hàng hóa.

"Agricultural transformation in East Asia" (tạm dịch: Biến đổi nông nghiệp ở Đông Á) là chủ đề của phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á đang diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines. 

Đặc biệt, phiên thảo luận này có sự tham gia của Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Các diễn giả khác bao gồm đại diện từ Hiệp hội nông dân châu Á, Viện nghiên cứu lúa gạo Philippines và đại diện của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mở đầu phiên thảo luận, bà Estrella Penunia – đại diện cho hiệp hội nông dân đến từ Philippines chia sẻ người nông dân hiện đã bắt đầu quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển các sản phẩm hữu cơ. Vấn đề đặt ra là làm sao để người nông dân tiếp xúc được các chính sách hỗ trợ của chính phủ? Câu trả lời có thể là kết nối người nông dân với doanh nghiệp, chính phủ thông qua các hiệp hội.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Phát cũng cho rằng Việt Nam có rất nhiều hộ nông dân riêng lẻ, vì vậy chính phủ đã có nhiều biện pháp để khuyến khích mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân, gia tăng niềm tin của nông dân vào các chính sách nhà nước. 

Tại buổi thảo luận, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy tự do thương mại để hỗ trợ ngành nông nghiệp. Kế hoạch để ASEAN tiến tới mở cửa và hội nhập sâu hơn vào năm sau cũng góp phần giúp người nông dân mở rộng thị trường và chia sẻ kinh nghiệm giữa đối tác từ các quốc gia khác nhau. 

Ở Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã xây dựng nhiều mô hình hợp tác giữa nhà nước – tư nhân để giúp gia tăng giá trị của người nông dân trong chuỗi sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, điều quan trọng trước khi thực hiện bất kỳ chính sách nào đó là việc giáo dục tuyên truyền những kiến thức cần thiết để người nông dân hiểu và tự nguyện tham gia.

Các vị khách mời đều cho rằng an ninh lương thực và biến đổi khí hậu là hiểm họa lớn nhất đối với ngành nông nghiệp trong vài thập kỷ tới. Đây không chỉ là vấn đề mang tính khu vực mà cần hợp tác giải quyết giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Hương Thảo

huongnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên