MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng ma quá khứ ám ảnh người Nga

19-12-2014 - 13:37 PM | Tài chính quốc tế

Các rắc rối kinh tế đang phá hỏng bầu không khí ở Nga.

Trong khi đồng ruble lao dốc trong những ngày qua, một chương trình trào phúng mới xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước của Nga. Sử dụng chương trình nhận dạng giọng nói trên điện thoại iPhone, người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi “Tôi nên đi nghỉ ở đâu trong năm tới?” “Năm nay – không ở đâu cả”. “Tỷ giá ngày mai sẽ là bao nhiều?” Phần mềm trả lời: “Đây là 5 công thức để nấu món cháo yến mạch”. Dù câu chuyện phiếm này được rất nhiều người Nga chia sẻ trên mạng xã hội, Apple đã thông báo tạm thời đóng cửa các cửa hàng trực tuyến ở Nga vì đồng ruble biến động quá mạnh. 

Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Nga gợi nhớ đến nhiều hồi ức về các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, khi người Nga phải chịu đựng cảnh thiếu thốn trong thời kỳ Xô Viết, siêu lạm phát đầu những năm 1990 hay đợt phá giá tiền tệ năm 1998. Họ nóng lòng dùng ruble để mua ngoại tệ, trang sức và đồ điện vì sợ một ngày không xa những đồng ruble sẽ không còn giá trị. Thậm chí một số người còn tích trữ dầu, ngũ cốc và xà phòng. Các phòng thu đổi ngoại tệ phải thay bảng điện tử bằng loại có 3 chữ số trước dấu thập phân để chuẩn bị cho trường hợp tỷ giá ruble – euro vượt qua mốc 100. 

15 năm giá dầu liên tục tăng đã đảm bảo một nền kinh tế ổn định và khỏe mạnh cho điện Kremlin, thậm chí một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ còn tính tới chuyện sử dụng ruble làm đồng tiền dự trữ. Thế nhưng, giờ đây người Nga đang bị ám ảnh bởi những ký ức tồi tệ của tháng 8/1998. 

Hôm qua (18/11), Tổng thống Putin đã đứng trước 1.200 phóng viên quốc tế để trả lời các câu hỏi trong khuôn khổ buổi họp báo thường niên. Câu chuyện kinh tế Nga trở thành chủ đề được quan tâm nhất. Nước Nga ở thời điểm hiện tại khác xa so với nước Nga của tháng 3, khi Crimea về với Nga. Ngày 15/12, Thủ tướng Dmitry Medvedev có một bài báo viết về những vấn đề của nền kinh tế Ukraine. Tuy nhiên, những độc giả người Nga đã có quá nhiều mối bận tâm với cuộc khủng hoảng trên chính đất nước của họ. 

Bộ phận người có thu nhập trung bình ở các thành phố lớn chứng kiến giá trị các khoản tiết kiệm sút giảm nhanh chóng và những khoản vay thế chấp ngoại tệ tăng giá chóng mặt. Trong khi đó, người dân ở vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn khi giá thực phẩm tăng chóng mặt. 
Vẫn còn quá sớm để khẳng định khủng hoảng có ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin hay không (hiện đang lên tới 85%). Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông có thể sụt giảm nhanh hơn so với suy nghĩ của các chuyên gia phân tích phương Tây. Rõ ràng là trong cuộc chiến giữa “chiếc tủ lạnh” (giá thực phẩm tăng) và “tivi” (nói về những phần tử ly khai ở Ukraine), chiếc tủ lạnh sẽ chiến thắng. Cuộc khủng hoảng đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tiêu dùng “theo kiểu Putin”, khi mà điện Kremlin cam kết đời sống của tầng lớp trung lưu sẽ luôn luôn được cải thiện để đổi lấy sự ổn định chính trị. 
Ông Putin sẽ lấy gì thay thế? Hôm qua, ông cho rằng các nhân tố bên ngoài gây nên những rắc rối của kinh tế Nga. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ hiệu quả khi được hỗ trợ bởi yếu tố chính trị. Ông có thể khởi động lại cuộc chiến ở Ukraine, nhưng phần lớn công chúng không ủng hộ sự hiện diện của quân lính Nga ở đó Ukraine.
 
Ngoại trưởng Sergei Lavrov phát biểu hôm 16/12 rằng Nga không đòi hỏi liên bang hóa Ukraine hay tự trị ở Donbas. Từ nhiều tháng nay, Nga vẫn cho rằng diễn biến ở Ukraine không liên quan gì đến những rắc rối của kinh tế Nga, đồng ruble giảm giá là do giá dầu giảm. 

Đoạn video quảng cáo cho buổi họp báo của Tổng thống Putin có hình ảnh khói và lửa ở Kiev, huy chương vàng Olympic ở Sochi và những con sóng vỗ bờ ở Crimea. Đồng ruble tuyệt nhiên không xuất hiện. Về phần đồng ruble, người Nga phải chuyển sang Russian Zen, trang web cập nhật tỷ giá ruble/USD, ruble/euro và giá dầu trong tiếng nhạc nền trầm tư và hình nền là những con sóng dữ dội của đại dương.  

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên