MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh kinh tế thế giới: Quá khứ là tương lai?

22-12-2014 - 19:23 PM | Tài chính quốc tế

Trong năm 2015, những rắc rối của thời kỳ cuối những năm 1990 sẽ ám ảnh kinh tế thế giới.

Nga chìm trong khủng hoảng tài chính, giá dầu giảm và đồng USD mạnh, một “cơn sốt vàng” mới xuất hiện ở thung lũng Silicon, kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ, kinh tế Đức và Nhật Bản èo uột, tiền tệ của các thị trường mới nổi lao dốc… Đây là những dự báo về kinh tế thế giới trong năm 2015 hay là bức tranh của thời kỳ cuối những năm 1990?

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra trong 2 năm 2008 và 2009 là sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới trong những năm gần đây. Sự kiện này lớn đến nỗi người ta dễ dàng quên đi những gì đã diễn ra trong những thập kỷ trước đó. Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh kinh tế thế giới 15 năm qua sẽ giúp thế giới nhìn thấy điều gì nên làm và nên tránh.

Trong quá khứ, nước Mỹ đứng trước một cuộc cách mạng kỹ thuật số hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi lớn lao. Sự phát triển của Internet đã đem đến làn sóng cải tiến và niềm lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ. Thời kỳ trước năm 1999 chứng kiến GDP Mỹ tăng trưởng hơn 4% mỗi năm, cao gấp đôi so với mức trung bình của các nước phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4% - thấp nhất 30 năm. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đẩy tăng giá trị của đồng USD cũng như giá cổ phiếu. Chỉ số S&P 500 có hệ số P/E lên tới gần 30 lần, cổ phiếu công nghệ tăng trưởng như vũ bão.   

Giống như thời điểm hiện tại, niềm lạc quan ở nước Mỹ đối tương phản với bức tranh u ám ở phần còn lại của kinh tế thế giới. Năm 1997, kinh tế Nhật rơi vào trạng thái giảm phát. Đức là “con bệnh” của châu Âu với các doanh nghiệp bị kéo lùi bởi thị trường lao động cứng nhắc. Trong khi đó, các thị trường mới nổi đang ở trong cuộc khủng hoảng: kể từ năm 1997 đến 1999, các nước từ Thái Lan đến Brazil chứng kiến đồng nội tệ suy sụp và dòng vốn tháo chạy.

Cuối cùng thì Mỹ cũng rơi vào rắc rối. Bong bóng công nghệ vỡ tung vào đầu năm 2000, kéo theo đó là toàn bộ thị trường chứng khoán sụp đổ. Đầu tư của doanh nghiệp (đặc biệt là công ty công nghệ) lao dốc. Đến đầu năm 2001, Mỹ cũng rơi vào suy thoái giống như các nước phát triển khác.

Tất nhiên, bức tranh kinh tế thế giới ngày nay vẫn có những điểm khác biệt so với quá khứ. Điểm khác biệt lớn nhất là Trung Quốc. Năm 1999, người ta không cần quan tâm đến Trung Quốc nhưng ngày nay đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng góp một phần không nhỏ vào đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. 

Dẫu vậy, có ba xu hướng đang chi phối kinh tế thế giới và có thể dẫn đến tình trạng tương tự như năm 1999. 

Thứ nhất, đó là khoảng cách giữa Mỹ (nơi tăng trưởng đang tăng tốc) và phần còn lại của thế giới (nơi nền kinh tế đang giảm tốc). Cuối những năm 1990, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là Larry Summers đã cảnh báo rằng kinh tế thế giới đang “bay với một động cơ”. Năm 2015, các chuyên gia kinh tế của The Economist dự báo rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3% trong khi Nhật và eurozone chỉ tăng trưởng 1,1%. Tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 3%. 

Người Mỹ có thể tự trấn an rằng việc làm mới đang được tạo ra với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1999 và giá xăng rẻ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng cũng như đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá dầu giảm hơn nữa có thể khiến nhiều công ty khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ phá sản trong năm 2015. Đồng thời, giống như 15 năm trước, đồng USD mạnh lên có những ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu. 

Thứ hai, hai nền kinh tế lớn khác của thế giới là Đức và Nhật Bản đang ở trong trạng thái giống với những năm 1990. Tăng trưởng của kinh tế Đức đã giảm xuống quanh mức 1% và không có nhiều tín hiệu khả quan trong ngắn hạn. Nhật Bản đang lặp lại sai lầm của năm 1997: tăng thuế tiêu dùng khiến công cuộc thoát khỏi giảm phát thất bại. 

Điều giống nhau cuối cùng là hiểm họa ở các thị trường mới nổi. Trong quá khứ, vấn đề nằm ở chế độ tỷ giá cố định và nợ nước ngoài. Giờ đây, các nước này đã giảm nợ và thả nổi tỷ giá cũng như tăng dự trữ ngoại hối. 

Tuy nhiên, các thị trường mới nổi vẫn gặp khá nhiều rắc rối, đặc biệt là ở Nga. Các nước xuất khẩu hàng hóa khác cũng khá mong manh, đặc biệt là ở châu Phi. Dầu mỏ chiếm khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu của Nigeria và 75% nguồn thu ngân sách chính phủ. Ghana đã cầu cứu IMF. 

Ở các nước khác, nguy hiểm nằm ở khu vực doanh nghiệp. Nhiều công ty của Brazil đang gánh những khoản nợ lớn bằng đồng USD. Làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp sẽ không nghiêm trọng bằng khủng hoảng nợ ở châu Á trong những năm 1990, nhưng vẫn khiến nhà đầu tư lo lắng và đẩy tăng đồng USD. 

Tất cả những điều này khiến bức tranh kinh tế thế giới năm 2015 không hề bằng phẳng. Người bi quan sẽ đánh cược rằng đồng USD tăng giá cùng với khủng hoảng ở các thị trường mới nổi cuối cùng sẽ khiến kinh tế Mỹ suy thoái. Tuy nhiên, điểm cộng là TTCK hiện không nguy hiểm bằng những năm 1990: hệ số P/E chỉ ở mức 18 lần. Mặc dù nhiều công ty công nghệ đầu tư bừa bãi, hầu hết đều có bảng cân đối kế toán phù hợp với khuôn phép. Hệ thống tài chính toàn cầu cũng có tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn và do đó ít chịu rủi ro lan tỏa. 

Thế nhưng, nếu kinh tế thế giới suy sụp, quá trình khôi phục ổn định sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với trong quá khứ bởi các nhà hoạch định chính sách không có nhiều lựa chọn. Năm 1999, lãi suất chính sách của Fed ở mức 5%. Giờ đây lãi suất ở hầu hết các nước phát triển đang ở mức gần 0. 

Bối cảnh chính trị hiện nay cũng có nhiều điểm khác biệt theo chiều hướng tiêu cực. Cuối những năm 1990, hầu hết người dân các nước phát triển đang được hưởng quả ngọt: mức lương trung bình của người Mỹ đã tăng 7,7% trong giai đoạn 1995 – 2000. Ngược lại, kể từ năm 2007, lương không tăng ở Mỹ, sụt giảm ở Anh và giảm mạnh ở eurozone. Trên toàn thế giới, các cử tri đang giận dữ với chính phủ. Nếu tình trạng hiện nay tiếp diễn, sự bất mãn sẽ trở thành cơn giận dữ. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên