Bước chuyển mình của kinh tế Trung Quốc nhìn từ Tết nguyên đán
Cơn sốt tiêu dùng đánh dấu quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế phụ thuộc quá mức vào đầu tư và xuất khẩu để tăng trưởng sang tiêu dùng và dịch vụ ở Trung Quốc.
- 02-02-2016Trung Quốc: “Địa ngục” xếp hàng về quê ăn Tết
- 24-01-2016Ngã ngửa vì thưởng Tết
- 18-01-2016Trung Quốc: Tiền tấn, quà khủng chất đầy nhà quan tham dịp Tết
- 19-02-2015Chuyện của những người phải làm việc trong ngày Tết
Người tiêu dùng Trung Quốc, chỗ dựa trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, đang mạnh tay chi tiêu khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán đang tới gần.
Ngành vận tải chứng kiến số chuyến đi kỷ lục là 2,91 tỷ lượt bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy trong kỳ nghỉ Tết, tăng 3,6% so với năm ngoái. Con số trên được đua ra bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế đứng đầu của nước này. Sáu triệu người sẽ đi ra nước ngoài trong kỳ nghỉ Tết kéo dài một tuần trong khi các nhà bán lẻ và nhà hàng có thể thu được hơn 100 tỷ USD doanh số.
Cơn sốt chi tiêu nêu bật quá trình chuyển đổi sang tiêu dùng và dịch vụ từ nền kinh tế phụ thuộc quá mức vào đầu tư và xuất khẩu để tăng trưởng của Trung Quốc. Điều này biến các ngành như du lịch, y tế, giáo dục và giải trỉ trở thành động lực mới của nền kinh tế trong khi các ngành công nghiệp nặng như thép và than đang phải vật lộn với cảnh dư thừa công suất.
“Một tầng lớp trung lưu gia tăng sẽ thúc đẩy du lịch,” Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Natixis SA cho biết. “Trong bối cảnh mức sống và cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện, người Trung Quốc cảm thấy việc đi lại trở nên dễ dàng và vừa túi tiền hơn.”
Vạn lý trường chinh
Cuộc vạn lý trường chinh trong kỳ nghỉ Tết sẽ thúc đẩy tiêu dùng ở mọi loại hàng hóa từ xăng cho đến quà tặng. 1,37 tỷ công dân của Trung Quốc sẽ thực hiện trung bình 2,1 chuyến đi trong dịp năm mới kéo dài từ 24/1 cho đến 4/3. Con số này gấp chín lần số chuyến đi của 321 triệu dân Mỹ trong cùng thời gian.
Website du lịch Ctrip.com dự kiến ghi nhận số chuyến đi ra nước ngoài tuần tới ở mức kỷ lục là 6 triệu lượt (tương đương với toàn bộ dân số Đan Mạch). Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc là những điểm đến hàng đầu khi du khách Trung Quốc thả sức mua săm mỹ phẩm ở Tokyo hay ngâm mình trong bể bơi ở các khu resort của Phuket.
Theo Chen Xingdong, kinh tế gia trưởng phụ trách Trung Quốc ở BNP Paribas SA, công suất của ngành du lịch Trung Quốc hiện đang thấp hơn lực cầu rất nhiều. Ông cho biết sự cấp bách trong việc nâng cấp và “đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao,” sẽ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa và sự phát triển của lĩnh vực giải trí và nhà hàng sẽ giúp bù đắp cho sự giảm tốc kinh tế.
Động lực tăng trưởng
Chi tiêu cho quà tặng, tiệc tùng và phim chiếu rạp sẽ tăng vọt khi các gia đình Trung Quốc đoàn tụ và hội họp. Theo bộ thương mại Trung Quốc, các nhà hàng và nhà bán lẻ đã công bố doanh số 678 tỷ nhân dân tệ trong kỳ nghỉ Tết năm ngoái, tăng 11% so với năm 2014 trong khi doanh thu phòng vé đạt 900 triệu nhân dân tệ.
Theo EntGroup Inc, công ty nghiên cứu ngành giải trí có trụ sở ở Bắc Kinh, triển vọng này thậm chí còn tốt hơn trong năm nay nhờ có các phim bom tấn như Kung Fu Panda 3, thu về 338 triệu nhân dân tệ trong ba ngày đầu công chiếu. Các rạp chiếu phim đã công bố doanh thu tăng 47% trong tháng một so với cùng kỳ năm ngoái
Xúc xích và tủ lạnh
Trong khi đó, Alibaba đã ghi nhận 2,1 tỷ lượt “mua sắm đặc biệt” vào cuối tháng 1. Các mặt hàng rất đa dạng, từ xúc xích hun khói cho đến tủ lạnh. Công ty thương mại điện tử này hiện bán một loạt các hàng hóa và quà tặng cho kỳ nghỉ Tết.
Những người tiêu dùng sinh sau năm 1980 thực hiện 81% các vụ mua sắm. Quần áo chiếm 36% hàng hóa giao dịch trong khi thực phẩm chiếm 15%. Theo báo cáo của Alibaba, trong khi thanh niên đô thị ưa chuộng các sản phẩm kỹ thuật số cầm tay thì công nhân di cư lại thích mua đồ điện gia dụng cho gia đình ở quê.