Các nhà sản xuất ô tô "đâm vào nhau" ở thị trường Trung Quốc
Nếu việc cạnh tranh khốc liệt trong việc gia tăng doanh số vẫn kéo dài, cộng thêm sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô “va vào nhau” với một thương tích đau đớn cho tất cả các bên.
- 02-09-2015Vụ nổ Thiên Tân gióng lên hồi chuông về “công xưởng thế giới”
- 21-08-2015Vụ nổ Thiên Tân có thể “hãm phanh” thị trường ôtô Trung Quốc
Khi vụ nổ nhà kho chứa hóa chất tại cảng biển thành phố Thiên Tân, Trung Quốc xảy ra hồi tháng 8 phá hủy khoảng 10.000 chiếc ô tô đang đậu ở cảng, những người hay giễu cợt thậm chí đã châm biếm rằng vụ thảm họa này chính là “điều tốt nhất” cho thị trường ô tô Trung Quốc. Lập luận được đưa ra là nó sẽ giúp giải quyết nhanh gọn một lượng lớn ô tô dư thừa đang chất đống trong các nhà kho.
Tình hình bất ổn kinh tế hiện nay khiến những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới bị giằng xé giữa 2 lợi ích. Lợi ích thứ nhất đó là mong muốn thống trị tại thị trường Trung Quốc, lợi ích thứ 2 là mong có một sự điều chỉnh lại nhằm ổn định thị trường ô tô lớn nhất thế giới này. Với nguồn cung nhiều trong khi cầu thị trường yếu, các nhà sản xuất buộc phải lựa chọn 1 trong 2 việc đó là tiếp tục cạnh tranh giành giật miếng bánh đang nhỏ dần hoặc họ phải tự cắt giảm sản xuất và chịu mất thị phần để giúp ổn định giá trên thị trường.
Với các nhà sản xuất ô tô lớn, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng. Theo tính toán, trung bình hiện nay cứ 1.000 người Trung Quốc thì mới chỉ có 106 chiếc ô tô, chứng tỏ đây là thị trường rất tiềm năng. Các nhà phân tích dự báo số ô tô được bán ra hàng năm có thể vượt mức 35 triệu chiếc vào năm 2020.
Tuy nhiên, hàng tồn kho gia tăng đã và đang gây thêm áp lực lên các đại lý phân phối ô tô trong việc chạy đua để bán xe, dẫn đến việc cắt giảm giá dịch vụ nhằm cạnh tranh. Chính điều này gây ra sự bất đồng, căng thẳng giữa Hiệp hội các nhà đại lý phân phối ô tô Trung Quốc với các nhà sản xuất ô tô vào cuối năm ngoái. Các nhà phân phối cho rằng họ phải chịu thiệt hại do hàng tồn kho tăng cao bởi các nhà sản xuất không chịu cắt giảm sản xuất. Họ bị ép nhập vào các mẫu xe không phải là đời mới nhất – không đúng với nhu cầu mới nhất của thị trường, chỉ để giải phóng hàng tồn kho cho các nhà sản xuất. Điều này cộng thêm các khó khăn, điều luật mới trong sở hữu ô tô của Trung Quốc càng khiến tình hình bán xe của các đại lý lâm vào thế khó hơn.
Cho đến tháng trước, khi TTCK Trung Quốc bắt đầu bước vào cơn bất ổn kéo dài sau khi đạt đỉnh trong tháng 6, các đại lý nhập khẩu ô tô đã có lượng hàng tồn kho lên tới 143 ngày doanh số (trước đó chỉ ở mức 24 – 36 ngày). Tháng 7, doanh số bán xe mới giảm gần 7% và 2015 được dự báo là năm đầu tiên có doanh số bán xe sụt giảm trong những năm gần đây. Dường như nguồn cung dư thừa sẽ còn ám ảnh thị trường ô tô của Trung Quốc trong tương lai gần.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu tại Trung Quốc đã bắt đầu đối phó với tình hình bất ổn hiện tại bằng việc cắt giảm sản xuất tại những nhà máy đặt tại nước này, trong đó Toyota đã tiếp tục ngưng sản xuất ở các công ty liên doanh tại thành phố Thiên Tân. Một thống kê theo dõi gồm 23 nhà liên doanh sản xuất ô tô với các nhà sản xuất nước ngoài ở Trung Quốc, cho thấy những công ty, nhà máy liên doanh này đang hoạt động dưới công suất thực của họ lần đầu tiên trong lịch sử.
Hai nhà sản xuất nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc là General Motor và Volkswagen cũng đã cắt giảm giá bán với hy vọng kích thích nhu cầu. Nhưng tính hiệu quả của những bước đi này sẽ lại phụ thuộc vào độ lớn của chính “cái hố” họ đã đào trước đó cho mình. “Cái hố” đó là nguồn cung trên thị trường ô tô do chính họ tạo ra vẫn còn quá nhiều để có thể đẩy thêm cầu với các dòng xe mới.
Dường như khá rõ ràng rằng Volkswagen đã và đang phóng đại doanh số bán ô tô của mình tại Trung Quốc bằng việc đưa ra mức tồn kho xe ô tô không bán được hàng năm chỉ từ 60.000 đến 100.000 xe trong khi các chuyên gia kinh tế thống kê một con số lớn hơn nhiều khi họ thực hiện so sánh công suất sản xuất với khả năng tiêu thụ. Điều này cuối cùng đang tạo ra một quả bom hẹn giờ - quả bom dư thừa nguồn cung quá mức.
Với sức mạnh của những con số tăng trưởng quá nóng và sự cạnh tranh khốc liệt, các nhà sản xuất ô tô đã chạy đua đầu tư vào các công ty liên doanh của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Bây giờ họ đang phải đối mặt với tương lai mập mờ của kinh tế nước này.
General Motors đã thông báo họ sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Trung Quốc từ nay cho đến năm 2018, qua đó nâng tổng mức đầu tư của mình ở Trung Quốc lên 16 tỷ USD. Volkswagen cũng có kế hoạch tương tự với mức tăng trưởng sản xuất dự kiến thêm 40% công suất tính đến 2019, đạt mức 5 triệu xe mỗi năm. Trừ khi nhu cầu tăng mạnh, nếu không với những chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ của các nhà sản xuất ô tô lớn tại Trung Quốc lại sẽ biến thành chính những cái mỏ neo néo giữ lại tốc độ tăng trưởng doanh số của họ tại đây khi cung vượt xa cầu.
Nhưng các nhà sản xuất cũng có cái lý của họ khi đẩy mạnh sản xuất. Về dài hạn Trung Quốc vẫn là một thị trường tích cực theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Thống kê cho biết hiện trên thị trường ô tô Trung Quốc trung bình mới chỉ có 1 trong 5 người mua ô tô là phụ thuộc vào nguồn tín dụng đi vay – tức là tiềm lực tự thân của người mua vẫn rất lớn và rủi ro về những “khoản vay thế chấp dưới chuẩn” phục vụ mục đích tiêu dùng cá nhân như mua ô tô là không hề có.
Đối với các nhà sản xuất ô tô hiện nay, việc tốt nhất nên làm đó là ngăn chặn việc nguồn cung dư thừa và ngăn giá xe lao dốc. Sau đó một sự điều chỉnh mạnh mẽ của thị trường có thể đặt ra nền tảng vững mạnh cho tăng trưởng dài hạn. Nhưng nếu việc cạnh tranh khốc liệt trong việc gia tăng doanh số vẫn kéo dài, cộng thêm sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô “va vào nhau” với một thương tích đau đớn cho tất cả các bên.