Các nước mới nổi rơi vào dòng xoáy tiền tệ
Các quốc gia mới nổi trở nên dễ bị tổn thương nhất bởi sự dịch chuyển dòng vốn.
Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục so với USD trong tuần trước, trong xu hướng giảm giá thê thảm của tiền tệ các quốc gia mới nổi, như đồng real Brazil.
Các quốc gia mới nổi trở nên dễ bị tổn thương nhất bởi sự dịch chuyển dòng vốn.
Làn sóng bán tháo tiền tệ của các nước mới nổi đã xuất hiện từ vài tháng nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nguyên nhân bởi kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm quy mô chương trình kích thích tiền tệ vào cuối năm nay, khiến các nhà đầu tư lánh xa dần khỏi những thị trường bị coi là rủi ro lớn bởi thâm hụt ngân sách, tăng trưởng chậm và lạm phát cao.
Đồng rupee Ấn Độ đã giảm mạnh trên 8,5% kể từ 22/5/2013. Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ từ chỗ đạt 9% chỉ mới cách đây 2 năm, nay được Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ điều chỉnh mức dự báo xuống chỉ 5,5% cho tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm tới.
Đồng rupiah của Indonesia tuần trước cũng đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm trong khi đồng rand Nam Phi mất 17% giá trị so với USD tính từ đầu năm. Đồng rand đã giảm hơn 5% chỉ trong một tuần (12-16/8) xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009, mặc dù ngân hàng trung ương nước này đã bán ra gần 3 nghìn tỷ USD với hy vọng tung USD ra sẽ làm USD giảm giá.
Giống như trường hợp với đồng rupee, người ta nghi ngờ về tính hiệu quả của những chính sách ngăn chặn nội tệ trượt giá của chính phủ các nước mới nổi. Đồng rupee và đồng real là hai đồng tiền giảm giá mạnh nhất lần lượt ở châu Á và châu Mỹ Latinh kể từ từ cuối tháng 5, khi Fed lần đầu tỏ ý có thể rút lại gói QE3 ngay trong năm nay. So với đầu năm, đồng rupee Ấn Độ đã mất giá 13% so với USD, trong khi real Brazil mất giá 15%.
Việc Fed giảm mua trái phiếu sẽ đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, khiến USD và các tài sản bằng USD trở nên hấp dẫn hơn.
Tại Brazil, đồng tiền giảm giá khiến những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc kiềm chế lạm phát trở nên phức tạp hơn, khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương có thể sẽ phải tăng tốc việc thắt chặt tiền tệ rất sớm.
Tại Ấn Độ, việc bán tháo đồng rupee đe dọa đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á tiến tới một cuộc khủng hoảng toàn diện.
“Chúng tôi lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ vẫn chưa đủ mạnh tay để ngăn sự giảm giá đồng nội tệ”, ông Robert Prior-Wandesforde, nhà kinh tế thuộc Credit Suisse ở Singapore nhận định.
Đồng rupee – mới được chuyển đổi một phần – vẫn tiếp tục giảm giá mặc dù ngân hàng trung ương nước này bán USD ra và động thái mới nhất là hạn chế các công ty và cá nhân rút tiền, động thái đã khiến thị trường chứng khoán và trái phiếu Ấn Độ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Do nhạy cảm nhất với việc vốn chảy ra, nhiều thị trường mới nổi đang cảm thấy sức nóng gia tăng từ dòng chảy này bởi những quốc gia này vốn đang phải vật lộn với thâm hụt tài khoản vãng lai, như Ấn Độ và Indonesia.
“Thị trường vẫn đang trong bối cảnh thâm hụt tài chính và thâm hụt tài khoản vãng lai”, Nizam Idris, chiến lược gia thuộc Macquarie Capital nói về châu Á.
Số liệu mới nhất từ Indonesia cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai đã tăng lên 4,4% GDP trong quý 2 năm nay, từ mức 2,4% của quý trước đó.
Ngân hàng trung ương Nam Phi, không giống các đồng nghiệp của mình, đã không làm gì khi đồng rand mất giá. “Tăng trưởng của họ rất thấp nên không thể dùng biện pháp cắt giảm lãi suất làm đòn bẩy”, nhà chiến lược Guillaume Salomon thuộc Societe Generale ở London nói cho biết.
Những nguy cơ
Rủi ro với những nền kinh tế thâm hụt lớn này là dòng tiền đang quay cuồng xung quanh quyết định của Fed. Sự yếu kém của đồng real hoặc đồng rupee sẽ buộc các nhà đầu tư phải rời bỏ cổ phiến và trái phiếu của những quốc gia này. Điều đó có thể làm trầm trọng thêm các đợt bán tháo tiền tệ, như là một vòng luẩn quẩn có thể dẫn tới khủng hoảng cán cân thanh toán.
Tất cả các nước phụ thuộc quá nhiều vào luồng vốn nước ngoài cần phải lấp lỗ hổng tài khoản vãng lai, lên tới 3% ở Brazil, 4,8% ở Ấn Độ và 6,5% ở Nam Phi.
“Ấn Độ và Nam Phi là hai đồng tiền có nguy cơ cao nhất. Chừng nào tiền tệ các nước này còn chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá thì lo ngại về sự thất thoát vốn sẽ vẫn còn”, nhà kinh tế Salomon thuộc Societe Generale cho biết.
Thị trường đang chờ đợi xem ngân hàng trung ương Brazil có thể làm gì để trấn an các nhà đầu tư sau khi đã can thiệp trị giá khoảng 30 tỷ USD trong năm nay thông qua việc hoán đổi tiền tệ. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Brazil đến nay dường như vẫn chưa sẵn sàng sử dụng khoản dự trữ ngoại hối 370 tỷ USD để chống lại xu hướng giảm giá tiền tệ trên toàn cầu.
Cũng như ở Ấn Độ, nền kinh tế Brazil – trước đây tăng trưởng rất mạnh – nay đang chậm lại, gây thất vọng cho các nhà đầu tư, và Brazil – giống như Indonesia – đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh cán cân thương mại do nhu cầu hàng hóa ở Trung Quốc sụt giảm.
Các đồng tiền Mỹ Latinh khác, mặc dù ít bị tổn thương hơn đồng real, cũng giảm giá khá mạnh trong mấy ngày qua.
Mặc dù một số nhà kinh tế hy vọng dòng tiền rồi sẽ đến lúc quay trở về với các thị trường mới nổi, song các nền kinh tế này cần phải chuẩn bị cho một hiện tượng thoái vốn quy mô lớn, và sẵn sàng với các chiến lược
phân bổ tài sản của mình.
Vân Chi