MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Volkswagen Mỹ: Tôi chẳng biết gì hết

09-10-2015 - 17:35 PM | Tài chính quốc tế

Lãnh đạo cấp cao của hãng xe hơi Volkswagen (VW) tại Mỹ khẳng định bản thân không hề được biết thông tin về việc thương hiệu này đã sử dụng phần mềm gian lận khí thải suốt từ năm 2014. Điều này đã khiến cho các nhà làm luật và giới chức trách cảm thấy nực cười khi liên tiếp những người đứng đầu nhà sản xe lớn nhất châu Âu phủ nhận liên quan đến bê bối của hãng.

Ngày hôm qua tại Washington, CEO tại Mỹ của Volkswagen, ông Michael Horn đã bị chất vấn trước hội đồng các cơ quan chức năng có thẩm quyền về vụ scandal khí thải của hãng tại thị trường này. Ông Horn liên tục xin lỗi và phủ nhận việc các hãng xe lớn khác từ Đức cũng sử dụng phần mềm này để gian lận.

Người đứng đầu Volkswagen tại đây khẳng định “trách nhiệm thuộc về một nhóm các kỹ sư. Chính họ đã phát triển ra phần mềm đó để đánh lừa tất cả chúng ta.”

“Đây chắc chắn không phải là quyết định của công ty mà là kế hoạch của một vài cá nhân có mục đích lừa dối ngay từ đầu” – ông Horn phát biểu trong buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ.

Do việc các lãnh đạo của Volkswagen chối đây đẩy và tự nhận bản thân không biết chút thông tin gì đã trở nên vô cùng quen thuộc. Hạ viện Mỹ đã quyết tâm hối thúc ông Horn phải đưa ra một bản báo cáo chi tiết hơn nhằm nêu rõ chuyện gì đã xảy ra, những cá nhân liên quan và chịu trách nhiệm cho sự vụ này. Giới tư pháp Mỹ đòi hỏi bất cứ một hành động nhỏ nào trong vụ bê bối này cũng phải được điều tra kỹ càng, để đảm bảo có được kết quả chính xác cuối cùng dù mất thời gian.

Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đồng loạt chỉ trích vụ lừa dối trong một thời gian dài của hãng xe danh tiếng như Volkswagen. Họ cho rằng, với tầm cỡ của mình, dù không thể tạo ra những chiếc xe ô tô đúng tiêu chuẩn khí thải của Mỹ, VW cũng không thể sử dụng phần mềm gian lận như vậy.

Chi tiết tên từng loại xe và số lượng sử dụng phần mềm gian lận do Volkswagen công bố

Một số nhà lập pháp còn gay gắt hơn khi cho rằng hành vi lừa dối của Volkswagen đại diện cho mặt trái của cả ngành công nghiệp ô tô nói chung, dựa trên quá khứ các hãng xe như Toyota, GM hay Takata cũng phải đợi đến khi xảy ra hậu quả liên quan đến tính mạng con người mới chịu tìm cách giải quyết.

Bản thân Toyota cũng từng bị điều trần trước các nhà làm luật Mỹ về việc xe của hãng này tăng tốc quá nhanh, ngoài ý muốn của người lái. Trong khi đó, vấn đề của GM hay Takata suốt hai năm qua là về các lỗi kỹ thuật liên quan đến hệ thống đánh lửa hay túi khí. Tất cả các giám đốc điều hành của những hãng trên đều từng rơi vào tình thế như Volkswagen hiện nay.

“Chúng ta đang ở đây vì sự dối trá của Volkswagen”, đại diện Frank Pallone (D., NJ) cho biết các vụ bê bối gian lận khí thải sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của khách hàng về tất cả các nhà sản xuất ô tô. "Nền văn hóa lừa dối có vẻ như khá phổ biến trong ngành công nghiệp ô tô và nó phải bị ngăn chặn.”

CEO Michael Horn nhấn mạnh rằng ông không hề biết hay nghi ngờ gì về ý định gian lận này vào năm 2014, cho dù có nghe về các tiêu chuẩn lượng khí thải vào mùa xuân. Người đàn ông 53 tuổi này cho biết sau khi nắm được thông tin tiêu chuẩn mới, Horn đã chỉ thị cho đội ngũ kĩ sư giải quyết vấn đề.

Horn tiếp tục cho hay ông đã được yêu cầu kiểm tra các mẫu xe bởi Hiệp hội bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) và CRBA, và cho đến thời điểm đó CEO của Volkswagen tại Mỹ mới biết được sự tồn tại của phần mềm gian lận trong các sản phẩm của hãng.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc đại học West Virginia vào mùa xuân năm 2014 đã nhận thấy lượng oxit nitơ cao hơn mức cho phép thải ra từ hai chiếc xe Volkswagen.

Bình luận về việc này, ông Horn khẳng định: “Vào thời điểm đó, tôi còn chẳng hiểu gì về thiết bị gian lận mà họ nói. Tôi chỉ thật sự biết rõ cái đó là gì vài ngày trước cuộc họp mùng 3 tháng 9, khi các nhân viên của Volkswagen giải trình một cách chi tiết về thứ mà chúng tôi đang sử dụng.”

Giới chức trách yêu cầu Volkswagen phải nhanh chóng bồi thường cho các đại lý và người sử dụng bị thiệt hại, đồng thời cho biết vì bê bối này mà các dòng sản phẩm dùng động cơ diesel nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Tuy nhiên, ông Horn không cho rằng việc mua lại xe từ các đại lý là hợp lý do đó đều là những chiếc xe hợp pháp và an toàn khi lái. Lãnh đạo này đề xuất việc Volkswagen sẽ tập trung vào việc sửa chữa cho phù hợp với tiêu chuẩn, dự kiến có thể hoàn thành vào năm sau.

Christopher Grundler, trưởng phòng quản lý chất lượng khí thải từ các phương tiện giao thông tại EPA đề nghị Volkswagen phải công bố các model động cơ diesel đã được sửa lỗi ngay trong tuần tới.

Đáp lại yêu cầu trên, ông Horn cho biết hiện Volkswagen đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến vụ việc, trong đó “áp lực tìm ra giải pháp và chi phí để giải quyết là hai vấn đề đau đầu nhất hiện nay”.

Theo những nguồn tin thân cận, Volkswagen đã đình chỉ ba nhân viên trực tiếp liên quan đến sự vụ này. Đó là Ulrich Hackenberg, kỹ sư trưởng của Audi; Wolfgang Hatz, một nhà phát triển của động cơ xe đua; và Heinz-Jakob Neusser, người đứng đầu phòng phát triển thương hiệu Volkswagen.

Michael Horn đã xác nhận việc kỷ luật ba nhân viên nhưng không tiết lộ danh tính của họ. Phát ngôn viên của Volkswagen cũng từ chối bình luận.

Cũng trong ngày hôm qua, các cơ quan chức năng của Đức đã kiểm tra văn phòng làm việc của các quan chức Volkswagen tại cả công ty và nhà riêng, thu thập các tài liệu để phục vụ cho việc điều tra xem những ai thực sự đứng sau vụ bê bối này.

Các công tố viên từ chối cho biết thêm các chi tiết.

Cho đến nay Volkswagen đã phải chi 7,3 tỷ USD để giải quyết các vấn đề. Giám đốc điều hành hiện tại Matthias Müller đã cho biết chi phí rất có thể sẽ tăng lên trong tương lai gần.

Tại Đức, ông Sigmar Gabriel, bộ trưởng kinh tế Đức và Phó thủ tướng, tuyên bố ủng hộ các nhà lập pháp Mỹ trong việc điều tra triệt để Volkswagen để nhanh chóng đi đến kết luận và khắc phục những thiệt hại.

“Điều duy nhất tôi có thể khuyên họ bây giờ là hãy giải quyết mọi thứ thật nhanh”, ông Gabriel, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội cho biết hôm thứ Năm tại Wolfsburg, Đức, sau cuộc họp với các đại diện hàng đầu của Volkswagen. "Công ty phải tiết lộ một cách trung thực những gì đã xảy ra. Điều này được nhiều hơn là mất ", ông Gabriel nói.

Ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp lớn nhất của Đức, cứ bảy người thì có một người làm việc trong lĩnh vực này. Ông Gabriel cho biết nền kinh tế quốc gia không đáng phải chịu bất cứ thiệt hại nào do các hành động của Volkswagen, đồng thời khẳng định hiện không có bằng chứng xác thực cho thấy đây là tình trạng chung của các hãng xe ô tô tại Đức.

Tại Washington, DC, ông Horn cho biết việc sửa chữa tất cả các xe bị lỗi có thể kéo dài trong nhiều năm. Ông cũng cho biết Volkswagen đã cung cấp một khoản kinh phí lớn cho các đại lý Mỹ nhằm bồi thường cho số lượng xe bị cấm, nhưng từ chối cung cấp con số cụ thể.

 

Theo Thư Anh

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên