MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cha đẻ" của mô hình "siêu thị tài chính": Các ngân hàng nên được chia nhỏ

26-07-2012 - 13:20 PM | Tài chính quốc tế

Nhận định này giống với ý kiến của các nhà làm luật, nhà đầu tư, giới phân tích kêu gọi các ngân hàng lớn chia tách để bảo vệ quyền lợi cổ đông và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.

Sandy Weill, cựu Chủ tịch kiêm CEO của  Citigroup, người đã “phát minh” ra mô hình “siêu thị tài chính” vừa đưa ra nhận định này trong một buổi phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC.

Theo ông, điều nên làm bây giờ là tách ngân hàng đầu tư ra khỏi các ngân hàng lớn, đảm bảo các ngân hàng không gây tổn hại đến tài sản của người dân chứ không phải là mô hình quá lớn để đổ vỡ như hiện nay. 

Weill cũng kêu gọi áp dụng lại đạo luật Glass–Steagall  -  đạo luật buộc các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ không được quyền tham gia vào các hoạt động ngân hàng đầu tư mà chỉ được hoạt động trong lĩnh vực cho vay những hoạt động kinh doanh truyền thống, ít rủi ro nhất. Trở lại năm 1998, ông chính là “kiến trúc sư” của thương vụ sáp nhập Travelers Group Inc. và Citicorp - thương vụ gắn liền với việc bãi bỏ đạo luật này. 

Theo ông, nếu các đại ngân hàng được xé nhỏ, người nộp thuế cũng như người gửi tiền sẽ không bao giờ phải chịu rủi ro. Đòn bẩy tài chính của các ngân hàng ở mức vừa phải trong khi các ngân hàng đầu tư vẫn có thể thực hiện các giao dịch. 

Hơn nữa, giá cổ phiếu của 5 trong số 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đang thấp hơn so với giá trị sổ sách của chính các ngân hàng này. Theo dữ liệu từ Bloomberg, cổ phiếu của Citigroup hiện đang thấp hơn 50% so với giá trị sổ sách trong khi tỷ lệ của Morgan Stanley là 47%. Điều này chứng tỏ các bộ phận riêng lẻ đang có giá trị nhiều hơn so với việc gộp tất cả thành một. 

Như vậy, Weill đã cùng với các nhà làm luật, nhà đầu tư, giới phân tích và các cựu lãnh đạo ngân hàng kêu gọi các ngân hàng lớn chia tách để có thể bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo. 

Richard Parsons, người đã từng nằm trong hội đồng quản trị Citigroup 16 năm, hồi tháng 4 cũng đã cho rằng việc bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall khiến việc kinh doanh trở nên phức tạp hơn và đây chính là một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng tài chính. John Reed, cựu CEO của Citicorp, hồi năm 2009 cũng đã lên tiếng xin lỗi vì tham gia vào quá trình xây dựng Citigroup và cho rằng các “đại ngân hàng” nên được chia nhỏ.  

Thậm chí cả Alan Greenspan, người đã từng ủng hộ việc bãi bỏ đạo luật Glass- Steagall khi còn giữ chức Chủ tịch Fed, cũng đã cho rằng xé nhỏ các ngân hàng sẽ giúp chúng có giá trị hơn.  

Theo một báo cáo được Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York công bố hồi đầu tháng về 4 đại ngân hàng phức tạp nhất nước Mỹ gồm JPMorgan, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America, mỗi ngân hàng hiện đang có hơn 2.000 chi nhánh. 2 trong số đó còn có số chi nhánh lên tới 3.000.  

Minh Anh

huongnt

Bloomberg, CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên