MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung ‘tội đồ’ gây ra cơn hoảng loạn trên TTCK Trung Quốc

11-01-2016 - 15:16 PM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch UBCK Trung Quốc (CSRC) Xiao Gang từng nói rằng điều đúng đắn duy nhất ông làm trong cuộc đời là cưới người vợ hiện tại. Chính vì vậy không ngoại trừ khả năng ông cũng đã thực hiện rất nhiều quyết định sai lầm trên cương vị là Chủ tịch CSRC.

Chỉ trong 12 tháng tính đến 6/2015, chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng 150% và trở thành một hoạt động kinh tế hấp dẫn, thu hút đến hơn 90 triệu nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đến khoảng tháng 7/2015, cú sốc đầu tiên ập đến khi ít nhất 1.331 cổ phiếu trên các TTCK chủ chốt của Trung Quốc đã phải ngừng giao dịch, khiến 2.600 tỷ USD vốn hóa bị “khóa chặt”, tương đương 40% tổng giá trị vốn hóa của toàn thị trường.

Các biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ được chính phủ Trung Quốc thực hiện như cấm bán khống, bơm 400 tỷ USD vào thị trường hay đóng băng hoạt động IPO và ngừng giao dịch nhiều cổ phiếu đã không thể ngăn đà lao dốc khiến 4.500 tỷ USD vốn hóa bị xóa sạch kể từ tháng 6.

Lúc này, không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra với chứng khoán Trung Quốc nhưng đa phần đều đồng tình rằng chứng khoán Trung Quốc đã “bay” quá cao và hậu quả là bong bóng đổ vỡ.

Tiếp tục tới ngày 4/1/2016 – tức ngày giao dịch đầu tiên của năm mới 2016, CSI 300 – chỉ số chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc đã giảm 7% - mức khởi đầu tồi tệ nhất. Các cổ phiếu của công ty quy mô nhỏ thậm chí còn tệ hơn – rất nhiều trong số đó đã giảm sâu xuống mức 10%.

Trước tình huống đó, các nhà đầu tư hoảng loạn, thi nhau tháo chạy.

Tuy nhiên khác với cú sốc hồi năm ngoái, theo cơ chế mới được gọi là “circuit-breaker” (Cầu giao điện) chính thức có hiệu lực từ phiên ngày 4/1, nếu như chỉ số CSI 300 giảm hơn 5%, thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút. Như vậy với mức giảm hơn 7%, thị trường phải đóng cửa sớm.

“Circuit-breaker” là sản phẩm của chủ tịch CSRC - Xiao Gang sau nhiều năm ấp ủ ý định thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng cần có một cơ chế tự ngắt giao dịch giống như của Mỹ.

Thậm chí, ông Xiao đã nhiều lần đề cập đến sự cần thiết cho một cơ chế như vậy trước công chúng khiến giới truyền thông gọi ông là "Mr. Circuit Breaker" (“Ông Cầu Dao”).

Đáng tiếc, trái với những gì ông Xiao Gang mong đợi, “Circuit-breaker” dường như khiến tình hình trầm trọng hơn khi giới đầu tư đổ xô bán thảo cổ phiếu do lo ngại chứng khoán còn giảm sâu.

Ngoài ra, ngưỡng ngưng giao dịch quá thấp, dừng giao dịch trong 15 phút khi chỉ số CSI 300 giảm 5% và đóng cửa giao dịch ngày hôm đó chỉ số này giảm 7%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ ít nhiều biến động hơn thị trường Trung Quốc do vậy nó sẽ đóng cửa giao dịch khi chỉ số S&P 500 giảm 20%.

Hậu quả là, hàng loạt lời chỉ trích đổ dồn về phía ông Xiao. Họ quy trách nhiệm và thậm chí cho rằng ông Xiao và cơ chế "Circuit-breaker" chính là “tội đồ” gây nên cơn hoảng loạn lần này.

“Ông ấy phải chịu trách nhiệm cho việc này. Xiao Gang đã quá may mắn khi vẫn giữ được ghế chủ tịch CSRC sau những đổ vỡ trên thị trường chứng khoán vào tháng 7 và 8 vừa qua”, Fraser Howie – một chuyên gia phân tích thị trường nói.

Trước diễn biến đó, đến tối ngày 7/1, Trung Quốc thông báo nước này sẽ ngừng áp dụng hệ thống ngắt giao dịch tự động trên thị trường chứng khoán sau hai lần sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu năm.

Vậy Xiao Gang là ai?

Ông Xiao hiện 57 tuổi, trở thành chủ tịch CSRC vào tháng 3/2013. Tại thời điểm đó, Trung Quốc là một trong những thị trường tồi tệ nhất thế giới và thậm chí họ chưa thể phục hồi từ sau khủng hoảng toàn cầu.

Trước khi nắm vị trí lãnh đạo CSRC, ông Xiao là chủ tịch Bank of China (BoC), ngân hàng lớn thứ 4 Trung Quốc trong gần 1 thập kỷ cho đến năm 2013.

Thông tin từ phòng tổ chức chính phủ miêu tả ông Xiao như sau: “Trẻ tuổi, tràn đầy năng lượng, cương quyết, thông thạo vĩ mô và dịch vụ tài chính, tìm kiếm vấn đề tốt và có khả năng tổ chức, phối hợp”.

Trong suốt nhiệm kỳ làm tại BoC, dấu ấn của ông Xiao có lẽ là thương vụ IPO thành công ngân hàng này và thu về 13,7 tỷ USD vào năm 2006. Đây được biết đến là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đầu tiên của Trung Quốc bán cổ phiếu ra công chúng.

Ông Xiao có bằng cử nhân kinh tế và bằng MBA luật. Trước khi lãnh đạo BoC – ông Xiao còn làm việc tại Ngân hàng quốc dân Trung Quốc 22 năm, bắt đầu từ 1981.

Trong một bài phỏng vấn với tờ Phoemiz Television của Hồng Kông vào năm 2012, ông Xiao khi đó là chủ tịch BoC chia sẻ rằng: “Điều đúng đắn nhất tôi làm được trong cuộc đời mình là cưới được người vợ hiện tại”.

Dù đây chỉ là câu nói hết sức khiêm tốn của chủ tịch CSRC tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng ông đã thực hiện nhiều quyết định sai lầm trong sự nghiệp lãnh đạo tại CSRC.

Theo Vân Đàm

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên