“Chào” Kitty, tạm biệt Rolex
Ở Hồng Kông, những chiếc ví hàng hiệu đắt tiền đang nhường chỗ cho những đôi giày sneaker.
- 27-08-2015Hồng Kông bất an trước "sóng lớn" từ Trung Quốc
- 24-05-2015Hồng Kông không còn miễn nhiễm với bong bóng ở Trung Quốc
Tháng 6/2008, Coach - nhãn hiệu túi xách cao cấp đến từ nước Mỹ - khai trương cửa hàng lớn ở chính giữa quận trung tâm của Hồng Kông bằng một bữa tiệc hoành tráng với những chai sâm-panh đắt tiền và sự xuất hiện của những người nổi tiếng. Tháng 8 vừa qua, Coach âm thầm rời khỏi cửa hàng có phí thuê hàng tháng lên tới 723.000 USD. Thế chân Coach là Adidas và tiền thuê giảm 23%.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Con phố Russell ở Causeway Bay vốn vẫn luôn được đánh giá là nơi có chi phí thuê cửa hàng đắt nhất trên thế giới đã bị Fifth Avenue của New York vượt mặt vào năm ngoái. Phố Russell đang trải qua những đổi thay rất lớn. Tại một cửa hàng trước đây là nơi bán những chiếc đồng hồ Cartier nạm kim cương đắt tiền giờ đã trở thành “nhà” của tập đoàn bán lẻ mỹ phẩm Bonjour. Có thể tìm thấy ở đây những túi mi giả Hello Kitty có giá 58 USD hay những hũ thuốc mỡ Tiger Balm trị giá 18 USD. Ở ngay bên cạnh, một hãng mỹ phẩm khác là Colourmix Cosmetics chuyển vào thế chỗ nhà sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ Jaeger-LeCoultre.
Trong khi các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới như Gucci của Kering, Louis Vuitton của LVMH và chuỗi cửa hàng trang sức Chow Tai Fook mặc cả đòi giảm giá thuế hoặc tệ hơn là phải đóng cửa hàng ở đây do du khách từ Trung Quốc đại lục giảm mạnh, những nhà bán lẻ bình dân đang lấp đầy chỗ trống. Các thương hiệu có thị trường rộng hơn đang tận dụng lợi thế giá thuê giảm để chuyển đến một trong những khu vực mua sắm sôi động nhất của Hồng Kông.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ bắt đầu giảm xuống sau khi Hồng Kông không còn là thiên đường mua sắm của các du khách đại lục. Những cuộc biểu tình phản đối Chính phủ Trung Quốc trong năm ngoái, chiến dịch chống tham nhũng và thắt lưng buộc bụng của Bắc Kinh cùng với tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ. Bị thiệt hại nặng nhất là đồng hồ và trang sức.
“Thói quen mua sắm đang thay đổi. Cách đây vài năm, khách từ đại lục bước vào cửa hàng và mua liền một lúc 10 chiếc đồng hồ Rolex không phải là điều hiếm”, Marcos Chan – trưởng phòng nghiên cứu thị trường Hồng Kông, Đài Loan và Macau của tập đoàn tư vấn bất động sản CBRE nói. Giờ đây thỉnh thoảng mới có người mua 1 chiếc.
Một lý do khác khiến hàng xa xỉ ế ẩm ở Hồng Kông là do các khách hàng Trung Quốc – vốn chiếm 10% tổng lượng khách du lịch và hơn 25% lượng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ trên toàn thế giới – giờ đây thích đi mua sắm ở châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ bị thu hút bởi mức tỷ giá hấp dẫn và chính sách nới lỏng quy định cấp visa.
Giá thuê mặt bằng buôn bán ở trung tâm Hồng Kông được dự báo sẽ giảm thêm 10% trong năm 2016, sau khi đã giảm khoảng 20 – 30% kể từ đầu năm đến nay.
Folli Follie – một thương hiệu thời trang có giá cả phải chăng đến từ Hy Lạp – vừa mở một cửa hàng có vị trí chỉ cách một trong những nhà ga tàu điện ngầm đông đúc nhất ở Hồng Kông một vài bước chân. Trước đó đây là cửa hàng bán đồng hồ đắt tiền.
Trong khi đó Helen Mak - người phụ trách mảng dịch vụ bán lẻ tại Colliers - cho rằng mặc dù mảng xa xỉ vẫn là một thế mạnh của Hồng Kông, xu hướng mới sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm khác biệt ở đây. “Trong quá khứ, cứ 5 cửa hàng ở đây thì có tới 4 cửa hàng bán đồng hồ Rolex. Trong tương lai, khách hàng sẽ tìm thấy rất nhiều nhãn hiệu và loại cửa hàng bán lẻ ở Hồng Kông”, cô nói.