MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á lạnh run

26-01-2016 - 08:29 AM | Tài chính quốc tế

Từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Ấn Độ, Thái Lan, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, gây thiệt hại nặng về người và của

Đài Loan đang trải qua đợt không khí lạnh tồi tệ nhất trong 10 năm qua khiến ít nhất 90 người thiệt mạng. Đa số nạn nhân là người lớn tuổi sống ở các thành phố miền Bắc như Đài Bắc, Đào Viên và gặp vấn đề về tim mạch, khó thở. Tuyết rơi dày khắp hòn đảo kể từ cuối tuần trước và phủ trắng các đỉnh núi gần TP Đài Bắc.

Nhiệt độ tại Đài Bắc đã xuống 4 độ C, mức thấp nhất trong 44 năm qua và dự báo còn giảm nữa. “Không phải nhiệt độ thấp mà chính việc nhiệt độ giảm quá đột ngột mới gây hại cho hệ tuần hoàn của con người” - một quan chức Đài Bắc nhấn mạnh.


Tuyết phủ trắng một vườn chè ở TP Tân Đài Bắc của Đài Loan. Ảnh: AP

Tuyết phủ trắng một vườn chè ở TP Tân Đài Bắc của Đài Loan. Ảnh: AP

Tại Nhật Bản, giá rét cũng làm 5 người chết và hơn 100 người bị thương. 20/47 tỉnh, thành đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tuyết rơi dày, trong đó hàng ngàn hộ gia đình ở 6 tỉnh lâm vào cảnh mất điện.

Nhiệt độ ở phía Tây và Nam Nhật Bản xuống mức thấp kỷ lục khiến giao thông tê liệt hoàn toàn và hơn 500 chuyến bay bị hủy. TP Nago trên đảo nhiệt đới Okinawa lần đầu tiên có tuyết kể từ năm 1966, trong khi bông tuyết cũng rơi lả tả trên hòn đảo cận nhiệt đới Amami Ohshima lần đầu trong 115 năm.


Cầu Megane ở Nagasaki, một trong những cầu đá xưa nhất Nhật Bản, giữa làn tuyết trắng. Ảnh: AP

Cầu Megane ở Nagasaki, một trong những cầu đá xưa nhất Nhật Bản, giữa làn tuyết trắng. Ảnh: AP

Trong khi đó, thủ đô Seoul của Hàn Quốc hôm 25-1 chứng kiến nhiệt độ giảm xuống dưới 0 độ C, thấp nhất kể từ ngày 15-1-2001. Khoảng 90.300 du khách bị mắc kẹt ở đảo Jeju, nơi nhiệt độ có lúc còn -6 độ C, do nhiều chuyến bay bị hủy.

Không xuống thấp như Hàn Quốc nhưng nhiệt độ tại thủ đô Bangkok - Thái Lan chỉ còn 17,5 độ C trong ngày 25-1, chuyện hiếm thấy tại nơi thường có nhiệt độ từ 20 độ C trở lên. Các khu vực ở miền Bắc Ấn Độ cũng hứng chịu đợt rét khủng khiếp (bắt đầu từ hôm 22-1) với nhiệt độ xuống -16,6 độ C khiến nhiều chuyến bay bị hoãn tại thủ đô New Delhi.


Sông Hàn chảy qua thủ đô Seoul - Hàn Quốc đóng băng một phần hôm 25-1Ảnh: Reuters

Sông Hàn chảy qua thủ đô Seoul - Hàn Quốc đóng băng một phần hôm 25-1Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Tân Hoa Xã cho biết ít nhất 4 người Trung Quốc chết vì thời tiết khắc nghiệt. Ở khu vực Nội Mông thuộc phía Bắc, nhiệt độ có thời điểm xuống đến -60 độ C. Trong khi đó, TP Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía Nam lần đầu chứng kiến tuyết rơi sau 60 năm.

Nhiệt độ tại các thành phố của tỉnh Giang Tô là -9 độ C, thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Một số đường cao tốc huyết mạch phải đóng cửa do băng tuyết. Riêng tại tỉnh Vân Nam, 11.000 hành khách mắc kẹt tại sân bay Côn Minh vì máy bay không thể cất cánh.


TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc trắng xóa. Ảnh: AP

TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc trắng xóa. Ảnh: AP

Cuộc sống của người dân Hồng Kông cũng xáo trộn mạnh khi nhiệt độ giảm xuống mức 3,3 độ C, thấp nhất trong 60 năm qua. Các trường tiểu học và nhà trẻ đóng cửa hôm 25-1. Lực lượng cứu hỏa đã giúp gần 100 người mắc kẹt trên các đỉnh núi, trong đó 64 người được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hạ thân nhiệt.

Các nhà dự báo thời tiết cho biết Hồng Kông có thể đối mặt các trận mưa đá nhỏ thay vì mưa tuyết. Trong ngày giá lạnh, một du khách tham quan Đại Mạo Sơn, ngọn núi cao nhất Hồng Kông, run rẩy: “Lạnh đến mức bàn chân của tôi dường như không còn cảm giác!”.

Nước Mỹ “rã đông”

Trận bão tuyết Jonas tồi tệ quét qua gần 20 bang ở bờ Đông nước Mỹ từ ngày 22-1 bắt đầu suy yếu và di chuyển về phía Đại Tây Dương. Tuyết rơi kỷ lục từ thủ đô Washington đến bang New York làm ít nhất 30 người thiệt mạng, chủ yếu do tai nạn xe cộ và một số trường hợp ngộ độc carbon monoxide (CO) cũng như đột tử khi xúc tuyết. Bước vào đầu tuần, người dân đối mặt không ít thách thức vì giao thông hạn chế, đường sá trơn trượt và xe cộ, lối đi bị tuyết vùi lấp…

Văn phòng chính phủ liên bang và các ngôi trường ở thủ đô Washington đã đóng cửa hôm 25-1. Viên chức nhà nước ở bang Virginia cũng được nghỉ phép tạm thời. Một số ít tàu điện ngầm, xe lửa và xe buýt ở thủ đô hoạt động trở lại nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Hạ viện Mỹ tạm dừng các cuộc bỏ phiếu đến ngày 1-2, còn Lầu Năm Góc hủy tất cả sự kiện sắp diễn ra.

Trái lại, ở bang New York, người dân quận Manhattan chào đón những tia nắng đầu tiên hôm 25-1 và nhịp sống gần như bình thường trở lại. Thị trưởng New York Bill de Blasio vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp nhưng hầu hết các tuyến xe buýt và tàu điện ngầm đã khôi phục. Thị trường chứng khoán và trường học cũng mở cửa lại.

Sân bay tại các thành phố New York, Baltimore và Philadelphia bắt đầu phục vụ hành khách với số lượng hạn chế. Ngoài bão tuyết, người dân bang New Jersey còn phải khắc phục hậu quả trận lũ cuối tuần qua.

Bão Jonas dự kiến hướng tiếp về Anh, kéo theo một loạt cảnh báo tại các khu vực Tây Bắc, Xứ Wales, phía Nam và Tây Scotland cũng như hạt Yorkshire. Cơ quan Môi trường Anh (EA) kêu gọi người dân ở các khu vực trung du và Tây Bắc chuẩn bị đối phó lũ lụt.

Phạm Nghĩa

 

 

Theo Huệ Bình

Người Lao Động

Trở lên trên