MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á thắt chặt tín dụng mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính

29-07-2013 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Có ba nhân tố ảnh hưởng đến điều kiện tín dụng của châu Á: nguồn vốn nội địa suy giảm, tỷ lệ nợ xấu cao và nhu cầu vay mượn sụt giảm.

Theo nghiên cứu mới nhất vừa được Viện Tài chính quốc tế (IIF) công bố, điều kiện cho vay của các ngân hàng tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang được thắt chặt mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Báo cáo cho thấy chỉ số đánh giá điều kiện cho vay của các ngân hàng trong khu vực đã giảm xuống còn 45,7 điểm – thấp hơn mức 50 điểm vốn là ranh giới phân chia giữa nới lỏng và thắt chặt tín dụng. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi khảo sát được bắt đầu thực hiện năm 2009. 

Châu Á cũng là khu vực thắt chặt tín dụng nhất trong các khu vực kinh tế mới nổi trên toàn cầu. Khảo sát được thực hiện tại 133 ngân hàng trên khắp Mỹ Latinh, châu Âu, châu Á và khu vực Trung Đông và châu Phi cho thấy con số 45,7 điểm của châu Á ở mức thấp nhất. Châu Mỹ Latinh đứng thứ 2 từ dưới lên với 47,6 điểm trong khi châu Phi và Trung Đông có kết quả tốt nhất (52,9 điểm). 

Báo cáo cũng chỉ ra ba nhân tố ảnh hưởng đến điều kiện tín dụng của châu Á: nguồn vốn nội địa suy giảm, tỷ lệ nợ xấu cao và nhu cầu vay mượn sụt giảm. Khoảng 38% các ngân hàng tham gia khảo sát cho biết điều kiện về vốn sụt giảm. Tỷ lệ trong quý I chỉ là 15%. 

Châu Á cũng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất. Chỉ số đo lường nợ xấu giảm xuống 44 điểm trong khi mức trung bình trên toàn cầu là 48,1 điểm. Con số dưới 50 điểm thể hiện tỷ lệ nợ xấu đang tăng lên. 
Trong khi đó, nhu cầu vay mượn có quý giảm thứ hai liên tiếp với nhu cầu về các khoản vay bất động sản và vay tiêu dùng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011. 

Ấn Độ và Trung Quốc là “tội đồ” 

Theo Frederic Neumann, chuyên gia đến từ ngân hàng HSBC, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này là do tình trạng căng thẳng tín dụng ở hai đầu tàu kinh tế của khu vực: Trung Quốc và Ấn Độ. 


Lãi suất liên ngân hàng của Trung Quốc đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng 6, khiến các ngân hàng nội địa thiếu thanh khoản. NHTW Trung Quốc (PBOC) đã từ chối bơm tiền cho các ngân hàng trong nỗ kiềm chế tăng trưởng tín dụng. Thị trường tài chính Trung Quốc đã đi qua “cơn bão” nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động. Phiên hôm nay, lãi suất tái cấp vốn kỳ hạn 7 ngày tăng lên 5% - cao hơn mức trung bình 3%. 

Trong khi đó, NHTW Ấn Độ cũng tạo nên tình trạng căng thẳng tín dụng sau động thái nhằm ổn định đồng rupee đang lao dốc. Các biện pháp bao gồm buộc các ngân hàng duy trì tỷ lệ dự trữ tiền mặt hàng ngày ở mức 99% tiền gửi.


“Đà tăng của lãi suất ngắn hạn ở cả Trung Quốc và Ấn Độ lại có ảnh hưởng lớn hơn đến thị trường tài chính so với các biến động trước đây. Vấn đề nằm ở chỗ tại thời điểm này, các hoạt động kinh tế đều bị chững lại”, Neumann khẳng định

Mặc dù các thị trường tài chính đã yên bình trở lại kể từ đầu tháng 7, các chuyên gia phân tích đều nhất trí rằng thanh khoản cao hơn trong điều kiện nền kinh tế khỏe mạnh hơn là điều cần thiết để tăng trưởng có thể hồi phục trong những quý tới. 

Tú Anh

huongnt

CNBC

Trở lên trên