MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Châu Âu chia rẽ vì khủng hoảng di cư

05-09-2015 - 11:25 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở châu Âu, với hàng loạt bi kịch khiến cả thế giới bị sốc nặng và châu Âu lúng túng.

Theo AFP, hôm qua ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cuộc họp ở Luxembourg để thảo luận giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng di cư bị xem là tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Hình ảnh cậu bé 3 tuổi Aylan Kurdi người Syria nằm chết úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra sức ép cực lớn lên vai các nhà lãnh đạo châu Âu. Hai lãnh đạo Pháp và Đức phải bàn thảo đưa ra tuyên bố EU cần yêu cầu mọi nước thành viên chia sẻ tiếp nhận người di cư.

“Hạn ngạch” bắt buộc

“Chúng tôi đồng thuận rằng cần phải có mức hạn ngạch tối thiểu bắt buộc để các nước EU chia sẻ gánh nặng người di cư. Đây là nguyên tắc đoàn kết và công bằng” - Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong chuyến thăm Thụy Sĩ.

Một số nguồn tin từ Brussels cho biết tuần tới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ công bố kế hoạch sắp xếp nơi định cư cho ít nhất 120.000 người để giảm bớt gánh nặng đối với các nước EU “tiền tuyến” như Hi Lạp, Ý và Hungary.

Tổng thống Pháp François Hollande đánh tiếng rằng Paris ủng hộ một “cơ chế bắt buộc” đối với các nước EU. Chủ tịch EU Donald Tusk cũng kêu gọi các nước thành viên chia sẻ việc tiếp nhận ít nhất 100.000 người di cư nữa, vượt xa thỏa thuận 32.000 người hiện nay.

Ở Anh, báo chí địa phương đưa tin Thủ tướng David Cameron sẵn sàng chấp nhận tiếp nhận trực tiếp hàng ngàn người di cư Syria đang tạm trú trong các trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Trung Đông.

Ông Cameron khẳng định Vương quốc Anh “sẽ thực hiện nghĩa vụ đạo đức” này. Năm ngoái, Anh chỉ tiếp nhận vỏn vẹn 216 người tị nạn Syria.

Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini tuyên bố lực lượng hải quân của EU sẽ tăng cường chiến dịch săn lùng và triệt phá các băng đảng buôn người đang hoạt động trên Địa Trung Hải. Mục tiêu là bắt giữ và phá hủy những chiếc tàu của bọn buôn người.

 

Sơ đồ đường đi đến Đức của người nhập cư từ điểm xuất phát Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Interpol

Không chấp nhận

Tuy nhiên, không phải quốc gia EU nào cũng sẵn sàng chấp nhận gánh nặng tiếp nhận người di cư từ Trung Đông.

Reuters đưa tin hôm qua, lãnh đạo bốn nước Ba Lan, Hungary, Slovakia và CH Czech nhóm họp ở Prague để thống nhất phản ứng chung. Khi đến Brussels hôm 3-9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban gây xôn xao dư luận khi tuyên bố người Hungary “sợ hãi” trước làn sóng di cư.

Ông kêu gọi người tị nạn Trung Đông không đến châu Âu và nhấn mạnh nước này “không muốn chấp nhận hậu quả của việc tiếp nhận một số lượng người Hồi giáo lớn”.

Thậm chí ông còn mô tả khủng hoảng di cư là “vấn đề của riêng nước Đức” vì phần lớn người di cư muốn đến Đức định cư. Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz cũng phản đối ý tưởng xây dựng cơ chế tiếp nhận người di cư bắt buộc với “hạn ngạch” cụ thể.

Dù vậy, Thủ tướng Kopacz vẫn nói Warsaw sẽ xem xét hợp tác với EU. Mới đây, Chủ tịch EU Donald Tusk cảnh báo về nguy cơ EU chia rẽ vì khủng hoảng di cư. Ông kêu gọi các nước thành viên ở phía đông thể hiện tình đoàn kết sâu sắc hơn với các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu.

Căng thẳng ở Budapest tiếp diễn

Theo AFP, hôm qua hàng trăm người di cư Trung Đông ở Budapest tiếp tục đối đầu căng thẳng với cảnh sát địa phương vì không được lên tàu sang Áo và Đức.

Lực lượng an ninh Hungary lừa người di cư lên một đoàn tàu, nói rằng nó đi đến Tây Âu nhưng sau đó dừng tàu và lùa họ tới một trại tập trung. Khoảng 1.000 người di cư quyết định đi bộ tới biên giới Áo.

Các nghị sĩ Hungary đang chuẩn bị bỏ phiếu thông qua dự luật thắt chặt an ninh tại biên giới để ngăn chặn người di cư xâm nhập. Hungary cũng đã đóng cửa biên giới với Serbia.

3.000 người mỗi ngày

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong vài tháng tới mỗi ngày sẽ có 3.000 người từ Trung Đông, bao gồm Iraq, Afghanistan và Syria, đổ vào vùng Balkan với hi vọng đến được Tây Âu.

Tổ chức Di trú thế giới (IOM) cho biết từ đầu năm đến nay đã có 350.000 người di cư đến châu Âu. Trong đó ít nhất 2.600 người đã thiệt mạng trên đường.

Theo HIẾU TRUNG

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên