MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu đang hồi sinh?

23-01-2014 - 00:07 AM | Tài chính quốc tế

Giờ đây, câu hỏi "Eurozone có tan rã?" đã được thay thế bằng "Liệu có phải châu Âu đang hồi sinh và quay trở lại?'.

Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng nợ công đẩy nhiều nước vào tình trạng suy thoái và thậm chí đứng trước nguy cơ tan rã, nền kinh tế châu Âu đã có được nhiều tín hiệu tích cực. Giờ đây, câu hỏi "Eurozone có tan rã?" đã được thay thế bằng "Liệu có phải châu Âu đang hồi sinh và quay trở lại?'. 

"Is Europe coming back?" cũng là chủ đề của một trong các phiên thảo luận tại Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), diễn ra hôm nay (22/1). Phiên thảo luận này có sự tham gia của Pierre Nanterme (CEO của Accenture - Pháp), Giuseppe Recchi (Chủ tịch Eni - Italia), Axel A. Weber (Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng UBS - Thụy Sĩ), Kenneth Rogoff (Giáo sư về chính sách công và giáo sư kinh tế đại học Havard).

Rõ ràng là năm 2013, châu Âu đã có rất nhiều tín hiệu tích cực. Nguy cơ tan rã không còn được nhắc đến, giá cố phiếu tăng trở lại. Câu trả lời là châu Âu có hồi phục. Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận tỏ ra khá lạc quan về Đức, Ba Lan và Nga trong dài hạn. Kinh tế Anh đã phục hồi mạnh. Các nền kinh tế Bắc Âu đã có diễn biến khá tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những nền kinh tế chưa hoàn toàn vượt qua sóng gió. Kinh tế Pháp đi xuống và ở gần đáy, Tây Ban Nha đi lên nhưng đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp cao một cách bất ngờ. Trong dài hạn một nước không thể duy trì tỷ lệ thất nghiệp cao đến vậy. Nếu 1 người ở trong tình trạng thất nghiệp trong suốt 4 – 5 năm đầu sự nghiệp, thu nhập của họ giảm rất mạnh. Thêm vào đó, tác động xã hội mà tình trạng thất nghiệp cao mang lại là rất lớn. Vấn đề lớn nhất cản trở tăng trưởng của Tây Âu chính là thị trường lao động.

Trong khi đó, ngài Rogoff cho rằng châu Âu phải đối mặt với nhiều vấn đề như dân số già và có rất ít tài nguyên. Tất cả các nước châu Âu đều đang ở trong thời kỳ suy thoái, chỉ có Đức có thể chống đỡ với khủng hoảng. Như dự báo của IMF (chí ít là đến tháng 10 năm ngoái), phải ít nhất 5 năm nữa châu Âu mới có thể trở lại hoàn toàn. Đúng là châu Âu đang hồi sinh nhưng đó là một chặng đường rất dài với nhiều thử thách.

Ông cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu không thể để “ngọn nến” châu Âu lung lay trước gió trong 5 năm nữa bởi không thể biết điều gì sẽ xảy ra. Kinh tế Trung Quốc suy giảm có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Đức.

Đề cập đến thị trường chứng khoán của châu Âu, ngài Axel A. Weber, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn UBS, Thụy Sĩ cho rằng thị trường chứng khoán đang hồi phục rất chậm, nó không đủ để giúp tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy kinh tế châu Âu thoát ra khỏi khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần thống nhất quan điểm chính trị giữa các thành viên, thi hành các chính sách tài khóa hiệu quả để quản lý nền kinh tế và khắc phục tình trạng thất nghiệp.

Nói về giải pháp cho châu Âu, ngài Recchi cho rằng khi nói đến khả năng cạnh tranh của 1 quốc gia, có những nước sử dụng nguồn tài nguyên dồi dào (bán dầu và khí đốt, các kim loại quý) trong khi có những nước chỉ có thể sử dụng công nghệ và châu Âu thuộc nhóm thứ hai. Do đó, châu Âu nên tận dụng lợi thế là nơi "đóng đô" tốt nhất của các doanh nghiệp và nên tận dụng lợi thế này để hồi sinh. 

Thảo Hương

huongnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên