Chỉ số phát triển kinh tế của các thị trường mới nổi yếu nhất kể từ 2005
Theo HSBC, năm 2014 xác lập kỷ lục là năm có mức tăng trưởng EMI trung bình hàng năm thấp nhất kể từ khi chỉ số bắt đầu được khảo sát vào tháng 11/2005.
Ngân hàng HSBC vừa công bố chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (EMI) tháng 11. Theo đó, chỉ số EMI được trích xuất hàng tháng từ các khảo sát về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), tăng trưởng sản lượng tại các thị trường mới nổi đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 11, xuống 51,2 điểm – cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2013.
Chỉ số EMI vẫn nằm dưới mức xu hướng dài hạn 53,7 điểm và năm 2014 xác lập kỷ lục là năm có mức tăng trưởng trung bình hàng năm thấp nhất kể từ khi chỉ số bắt đầu được khảo sát vào tháng 11/2005.
Cũng theo báo cáo, các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ ở các thị trường mới nổi đều cho biết tỷ lệ tăng trưởng sản lượng của cả hai lĩnh vực này chậm hơn và với tốc độ tương đương.
Dữ liệu của 4 thị trường mới nổi lớn nhất cho thấy xu hướng hoạt động khác nhau trong tháng 11. Trung Quốc có mức tăng tháng thứ 7 liên tiếp nhưng lại ở mức thấp nhất 6 tháng. Ấn Độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 6, trong khi Nga và Brazil đều có mức giảm mạnh hơn.
Một điểm sáng trong khảo sát lần này là tăng trưởng đơn hàng mới đã phục hồi từ mức thấp 5 tháng trong tháng 10 với lĩnh vực dịch vụ và sản xuất đều thể hiện tốc độ tăng trưởng nhnh hơn. Điều đó cho thấy lượng việc tồn đọng đã giảm nhanh nhất kể từ tháng 7/2013 và nhân công việc làm đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5.
Các doanh nghiệp kỳ vọng cho các thị trường mới nổi toàn cầu trong tháng 11 xấu hơn. Chỉ số sản lượng tương lai tại các thị trường mới nổi do HSBC khảo sát kỳ vọng của các doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất 2 tháng tới rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện là tháng 4/2012.
Chuyên gia Chris Williamson – chuyên gia kinh tế trưởng của Markit nhận xét, các thị trường mới nổi chính trên thế giới vẫn không vượt ra khỏi tốc độ tăng trưởng của chính mình ở thời điểm tiền khủng hoảng và một lần nữa trở thành lực cản cho kinh tế toàn cầu tháng 11. Suy thoái ở Nga và Brazil đang tăng lên với mức độ đáng lo ngại và tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc thì tiếp tục chậm. Chỉ có Ấn Độ mới thể hiện sự cải thiện trong tháng vừa qua.
Với Trung Quốc, ông Chris Williamson cho rằng sau khi tăng trưởng quý 3 chậm lại ở mức 7,3% - thấp nhất kể từ năm 2009, các cuộc khảo sát đã báo hiệu tình hình tháng 11 gần như trì trệ ở mức thấp 6 tháng, điều này góp phần vào khả năng Chính phủ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay. Kỳ vọng kinh tế Trung Quốc có thể còn thấp hơn trong năm tới.
Với Brazil, theo chuyên gia, nước này đã thoát khỏi suy thoái trong quý III, các chỉ số PMI đã chỉ ra sẽ có một cuộc suy thoái mới trong quý IV. Chỉ số PMI toàn phần của Brazil đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009.
Còn Nga, suy thoái ngày càng sâu sắc thêm khi kinh doanh ngành dịch vụ giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2009. Một vài tín hiệu khả quan xuất phát từ sự gia tăng hoạt động sản xuất công nghiệp, thể hiện bằng sản xuất thay thế nhập khẩu sau khi đồng rúp giảm giá trị và các biện pháp trừng phạt thương mại, nhưng lạc quan kinh doanh lại giảm xuống mức thấp 6 năm. Nga đang đối mặt với sự kết hợp không mong muốn giữa suy giảm kinh tế và giá cả leo thang.
Chuyên gia Frediric Neumann – đồng giám đốc khối nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á cũng cho rằng khó có thể đạt được sự hồi phục mạnh mẽ ở khu vực mới nổi. Xuất khẩu vẫn còn yếu, tình hình châu Á vẫn chưa được cải thiện.
Ngọc Toàn