MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch FPT gặp song phương 20 tập đoàn lớn tại Davos

31-01-2014 - 14:11 PM | Tài chính quốc tế

FPT đã tích cực làm việc, thảo luận và có nhiều buổi gặp song phương với 20 Tập đoàn lớn trên thế giới như EMC, Aeta, Dell, KPMG, Citi Group, Bank of America ...

Có mặt trong đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 44 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Davos vừa qua là một số lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông để tìm hiểu thêm về những hoạt động của ông tại Davos.

Đây đã là lần thứ 3 tham gia, ông có thể chia sẻ những ấn tượng của mình đối với sự kiện này? Sự kiện năm nay có những điểm khác biệt gì so với những năm trước?

Tôi cảm nhận, Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay đã thu hút được sự quan tâm cao hơn so với những năm trước với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu, gần gấp đôi so với con số đại biểu tham dự của năm trước. Điều này, theo tôi là do nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu ấm lên, các khu vực kinh tế đang bước vào giai đoạn hồi phục. 

Một trong những chủ đề được nhấn mạnh trong hội nghị năm nay là tác động mà những đột phá về công nghệ mang lại cho kinh tế, chính trị, xã hội thế giới. Với tư cách là lãnh đạo của một công ty công nghệ, ông có nhận định gì điều này? Việt Nam cần phải làm gì trong xu hướng này?

Lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn tham dự Diễn đàn đặc biệt quan tâm đến xu hướng công nghệ S.M.A.C (Social, Mobility, Analytic/Big Data, Cloud). 

Và vấn đề đặt ra với họ hiện nay là nguồn nhân lực cho xu hướng công nghệ này đang thiếu trầm trọng, đơn cử như riêng trong lĩnh vực Cloud (điện toán đám mây) đang thiếu khoảng 2 triệu lập trình viên. 

Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong xu hướng công nghệ này, Việt Nam đang bước cùng nhịp điệu với thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải tìm ra điểm khác biệt để khai thác được cơ hội này. Đó là khả năng nắm bắt nhanh công nghệ mới và quy mô nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo, cũng như doanh nghiệp cần tập trung đào tạo cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho các xu hướng công nghệ mới trên.

Tại đây ông được gặp gỡ nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn trên thế giới, FPT sẽ có cơ hội hợp tác từ các cuộc gặp này? 

Hình ảnh ông Trương Gia Bình tại WEF 
(Nguồn: World Economic Forum)

Trong khuôn khổ diễn đàn, FPT đã tích cực làm việc, thảo luận và có nhiều buổi gặp song phương với 20 Tập đoàn lớn trên thế giới như EMC, Aeta, Dell, KPMG, Citi Group, Bank of America, Lockheed Martin, Echolab, Qualcomm, UPS, Dupont, Nike ...

Các Tập đoàn này đều rất quan tâm đến Việt Nam và mong muốn mở rộng kinh doanh sang Việt Nam. Đa số các Tập đoàn đều mong muốn có những cuộc gặp gỡ tiếp theo để cùng bàn thảo những vấn đề hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là trong xu hướng công nghệ S.M.A.C. Tôi đánh giá đây là cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung và FPT nói riêng. 

Có một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào WEF, lợi ích cụ thể của việc tham gia WEF là gì?

WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết Lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu. 

Hiện Việt Nam có trên 10 Tập đoàn/tổng công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó có FPT, Viettel....

Tham gia WEF giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được các thông tin mới nhất về các vấn đề mà thế giới đang quan tâm; có cơ hội tiếp cận và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các tập đoàn/công ty lớn trên toàn cầu về những vấn đề mà hai bên đang quan tâm để tìm kiếm cơ hội hợp tác. 

Đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân lực chất lượng cao và đầu tư vào tài năng trong dài hạn cũng là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận. Ông có thể chia sẻ nhận định về vấn đề này? FPT giải quyết vấn đề này như thế nào? 

Như tôi đã nói ở trên, thế giới đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho xu hướng công nghệ S.M.A.C. Còn về phía FPT, chúng tôi đã và đang nỗ lực để có thể mở rộng quy mô cũng như chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển của công ty, trong đó có nguồn nhân lực cho xu hướng công nghệ mới. 

Ngoài việc tạo nguồn nhân lực từ chính trường Đại học FPT và từ các chương trình tự đào tạo của các đơn vị thành viên, chúng tôi còn đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong khối kỹ thuật, CNTT của Việt Nam. 

Thu Hương

huongnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên