MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Mỹ 2014: Năm của những kỷ lục

01-01-2015 - 10:13 AM | Tài chính quốc tế

Giá dầu, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nền kinh tế tăng trưởng đã giúp chứng khoán Mỹ thăng hoa trong năm 2014 với chỉ số S&P 500 kéo dài đà tăng điểm của năm 2013 và liên tiếp lập các kỷ lục mới.

Theo thống kê của Bloomberg, chỉ số S&P 500 đã có 53 lần đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt mốc 18.000 điểm. Tăng trưởng tăng tốc khiến nhà đầu tư tự tin vào nền kinh tế trong khi chính sách linh hoạt của NHTW hối thúc các nhà đầu tư ưa rủi ro tìm đến với cổ phiếu. 

Tổng cộng, chỉ số S&P 500 tăng 11% trong năm 2014, đóng cửa phiên 31/12 ở mức 2.058,90 điểm sau khi tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1997 trong năm 2013. Mặc dù giảm 1% trong phiên 31/12 và giảm 0,4% trong tháng 12, S&P 500 vẫn hoàn thành quý thứ 3 liên tiếp tăng hơn 10%. 

Chỉ số Dow Jones tăng 7,5% trong cả năm, để tuột mốc 18.000 điểm trong 2 ngày giao dịch cuối cùng. Trong khi đó chỉ số Nasdaq tăng 13%. 

TTCK châu Âu cũng có 1 năm tăng điểm trong khi chứng khoán Trung Quốc có năm tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2009 bất chấp các thị trường mới nổi có năm thua lỗ lần đầu tiên trong 12 năm trở lại đây. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index tăng 11%, mạnh nhất kể từ 2005. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao nhất trong 3 năm. 

Những trở ngại từ xung đột ở Ukraine đến dịch Ebola bùng phát và nền kinh tế châu Âu cùng Trung Quốc giảm tốc đã có lúc đe dọa sẽ làm TTCK Mỹ chệch hướng. Tuy nhiên, chính sách của Fed và sức khỏe kinh tế Mỹ đã “đánh bại” tất cả. 

Đã có 1.100 tỷ USD giá trị vốn hóa được bổ sung thêm vào TTCK Mỹ trong năm 2014. Trung bình có 6,4 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong mỗi phiên, tăng khoảng 3% so với năm 2013. Mỗi ngày giá trị giao dịch đạt khoảng 258 tỷ USd, tăng 17% so với 1 năm trước. 

Chỉ số MSCI All-Country World Index không bao gồm TTCK Mỹ giảm 6,3% trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh và giá dầu giảm ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách của các nước xuất khẩu dầu.

Ở các thị trường mới nổi, chỉ số MSCI Emerging Markets Index giảm 4,6%. Chỉ số Micex của TTCK Nga giảm 7,2% trong khi đồng ruble của nước này giảm 44% so với USD. Trái phiếu do chính phủ Venezuela phát hành giảm 28% trong năm 2014, mạnh hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác được Bloomberg theo dõi. 

Chỉ số Bloomberg Commodities Index đo lường diễn biến của thị trường hàng hóa giảm 17%, qua đó đánh dấu năm giảm thứ 4 liên tiếp. Đồng có năm giảm mạnh nhất trong 3 năm mà nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế Trung Quốc giảm tốc. 

Các cổ phiếu điện nước tăng điểm mạnh nhất trong năm 2014 với mức tăng 24%. Nhóm y tế tăng cao thứ hai (23%). Trong khi đó nhóm công nghệ xuất hiện một vài trong số các cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones như Intel (40%) và Microsoft (24%). 

Theo Laszlo Birinyi, người có những dự đoán chính xác về TTCK kể từ năm 2009 đến nay, tiếp tục cho rằng chứng khoán Mỹ sẽ kéo dài đà tăng trong năm 2015. 

Phát biểu trong chương trình “The Bloomberg Advantage” trên kênh truyền hình Bloomberg, chủ tịch đồng thời là người sáng lập của quỹ Birinyi Associates Inc. cho rằng chỉ số S&P 500 đang ở trong đà tăng điểm bền vững. Hồi tháng 2, ông dự đoán S&P 500 sẽ chạm mốc 1.900 điểm trong quý II và đến tháng 7 ông lại dự đoán chỉ số này sẽ kết thúc năm 2014 ở mức 2.100 điểm. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên