Chứng khoán Mỹ giảm điểm vì nỗi lo nâng lãi suất
Chứng khoán Mỹ giảm điểm với chỉ số S&P 500 có tuần thứ hai liên tiếp sụt giảm. Nguyên nhân là do số liệu về thị trường việc làm tốt hơn dự báo làm tăng khả năng lãi suất sẽ được nâng lên trong năm nay.
Kết thúc phiên hôm qua (5/6), chứng khoán Mỹ giảm điểm với chỉ số S&P 500 mất 0,1%, xuống còn 2.092,83 điểm sau khi giảm khoảng 0,5% trước đó. Chỉ số này hiện đang cách mốc cao kỷ lục 2%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3%, xuống còn 17.849,46 điểm trong khi chỉ số Russell 2000 tăng 0,8%.
7 trong số 10 nhóm chính của S&P 500 giảm điểm, dẫn đầu là các nhóm điện thoại, hàng tiêu dùng thiết yếu và điện nước. Nhóm các công ty tài chính và năng lượng tăng điểm khá tốt.
Đà tăng của các cổ phiếu công nghệ sinh học và tài chính góp phần làm nên đà tăng của các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ. Nhóm điện nước giảm điểm trong khi các ngân hàng tăng điểm. Các cổ phiếu JPMorgan Chase và Bank of America tăng thêm ít nhất 1,6%. Nhóm năng lượng tăng mạnh nhất 2 tuần sau khi giá dầu hồi phục.
Với báo cáo việc làm tốt hơn dự báo, đồng USD tăng giá ngày thứ hai liên tiếp và khiến cổ phiếu của các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu có doanh thu chủ yếu đến từ thị trường nước ngoài giảm điểm mạnh. Trong đó cổ phiếu của Coca-Cola giảm 1,2%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 27/3.
Theo Chad Morganlander, chuyên gia đến từ quỹ Stifel, Nicolaus & Co., cho rằng số liệu về thị trường việc làm tháng 5 khẳng định thêm rằng sự trì trệ trong quý I và đầu quý II chỉ là thạm thời. “Nếu tăng trưởng tiền lương nóng lên, Fed chắc chắn sẽ nâng lãi suất vào tháng 9 hoặc tháng 10. Đây là những tín hiệu tích cực của nền kinh tế”.
Báo cáo được công bố hôm qua cho thấy trong tháng 5 số việc làm mới trên thị trường lao động Mỹ tăng mạnh nhất 5 tuần. Đồng thời, tín hiệu đáng mừng nhất là tiền lương đã tăng trưởng, thể hiện các công ty đang lạc quan về triển vọng của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5,5% do có nhiều người tham gia vào lực lượng lao động, trong khi thu nhập theo giờ của người lao động tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2013.
Nhà đầu tư cũng theo dõi những diễn biến trong đàm phán nợ ở Hy Lạp. Nước này tuyên bố sẽ hoãn trả nợ 4 khoản vay từ IMF đến cuối tháng này. Hy Lạp đã từ chối yêu cầu phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa để có thể được nhận cứu trợ.