MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Mỹ rộn ràng IPO

05-05-2014 - 15:31 PM | Tài chính quốc tế

Từ tháng 1 đến tháng 4, đã có hơn 180 công ty đã thông báo kế hoạch IPO trong khi 317 công ty khác phát hành thêm cổ phiếu.

Giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ niêm yết trên TTCK Mỹ đã “bốc hơi” bao nhiêu kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 3? Con số này gần bằng với giá trị ước tính của một công ty đang sắp sửa bước vào thị trường: Alibaba Group Holding Inc.

Mặc dù chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, phép so sánh này thể hiện mối lo ngại của các nhà đầu tư trong một số ngành. Năm 2014 được dự đoán sẽ là năm mà hoạt động IPO diễn ra sôi nổi nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây. Từ Alibaba cho tới King Digital Entertainment, các công ty đang đẩy mạnh bán cổ phần ra công chúng trong bối cảnh giá cả cao hơn tới 20% so với mức năm 2007. 

Theo số liệu từ Ned Davis Research, nguồn cung cổ phiếu đã giảm khoảng 837,5 tỷ USD kể từ tháng 3/2010 đến cuối năm 2013. Giờ đây, khi những nhà đầu tư nhỏ lẻ (vốn đã bỏ lỡ thị trường con bò) quay lại với cổ phiếu, nhiều người đang lo lắng hàng loạt vụ IPO sẽ khiến những ngành tăng trưởng nhanh nhất “ngập” trong cổ phiếu. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là đối với ngành công nghệ.

Các cổ phiếu mới được phát hành trong 4 tháng đầu năm 2014 có tổng giá trị 87 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu được các tập đoàn thông báo mua vào chỉ ở mức 255 tỷ USD trong 4 tháng đầu, giảm mạnh so với mức 355 tỷ USD của năm ngoái.

Trong khi chỉ số Dow Jones lập kỷ lục trong tuần trước và chỉ số S&P 500 cũng ngấp nghé mốc cao nhất mọi thời đại, chỉ số Nasdaq 100 vẫn thấp hơn 3,7% so với mốc cao nhất 14 năm được lập hôm 5/3. 

Alibaba – công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc – đang có kế hoạch thực hiện vụ IPO lớn nhất trên TTCK Mỹ với mức giá trị vốn hóa lớn hơn 95% số công ty nằm trong chỉ số S&P 500. Theo ước tính của 12 chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg tháng trước, công ty công nghệ có trụ sở tại Hàng Châu được định giá vào khoảng 168 tỷ USD (mặc dù Alibaba chỉ có dự định thu về số tiền thấp hơn nhiều sau khi IPO).

Các CEO đang tận dụng lợi thế giá cao kỷ lục để huy động vốn cũng như thực hiện các vụ M&A trong bối cảnh “thị trường con bò” đã bước sang năm thứ 6. Giá cổ phiếu được “thổi phồng” qua 3 gói kích thích tiền tệ của Fed. Hôm 28/4, giá trị các vụ M&A toàn cầu đã vượt qua mốc 1.000 tỷ USD với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm trở lại đây. 

Từ tháng 1 đến tháng 4, đã có hơn 180 công ty đã thông báo kế hoạch IPO trong khi 317 công ty khác phát hành thêm cổ phiếu. Các công ty như Apple và Wells Fargo cũng đẩy mạnh mua lại cổ phiếu cũ sau khi tích trữ số tiền mặt khổng lồ. Nếu tốc độ này được duy trì, 2014 sẽ là năm bận rộn nhất kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, trong 6 năm qua, những vụ IPO lớn nhất lại trùng hợp với thời điểm thị trường đi xuống. Tháng 5/2012, Facebook thực hiện vụ IPO lớn nhất ngành công nghệ khi chỉ số S&P 500 giảm 6,3% (mạnh nhất trong 8 tháng). Chỉ số này cũng giảm 0,2% trong tháng 11/2010, khi GM bán số cổ phiếu trị giá 18 tỷ USD. Thị trường cũng giảm điểm khi Visa huy động được 20 tỷ USD tháng 3/2008. 

Lý giải hiện tượng này, Skip Aylesworth – chuyên gia đến từ Hennessy Funds – cho rằng hầu hết các nhà quản lý tiền tệ đã đổ tiền vào chỗ khác và do đó phải bán bớt để có tiền mua các cổ phiếu mới lên sàn sau những vụ IPO lớn. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên