Chứng khoán toàn cầu giảm vì Trung Quốc và giá dầu
Số liệu kinh tế yếu ớt của Trung Quốc cùng với hai phiên lao dốc của giá dầu đã kéo giảm giá cổ phiếu trên toàn cầu.
- 09-09-2015Bớt lo về Trung Quốc, chứng khoán toàn cầu tăng điểm
- 07-09-2015Gần 11 tỷ USD đổ vào chứng khoán toàn cầu sau tuần rút ròng
- 02-09-20155 yếu tố khiến chứng khoán toàn cầu bị bán tháo
- 25-08-2015Giải mã 5 câu hỏi về “ngày thứ Hai đen tối” của chứng khoán toàn cầu
Chỉ số MSCI toàn cầu giảm 0,8%, kết thúc chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 2/2015 trước đó.
Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán giảm do lo ngại về kinh tế Trung Quốc, làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ sinh học và năng lượng cùng quan điểm bi quan về lợi nhuận doanh nghiệp.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 0,29% và 0,68%; chỉ số Nasdaq cũng giảm 0,87% với tổng 6,1 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Cổ phiếu của tất cả 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đồng loạt giảm giá, trong đó cổ phiếu y tế và năng lượng giảm mạnh nhất với hơn 0,9%. Đáng chú ý, cổ phiếu năng lượng đã giảm 3 phiên liên tiếp do giá dầu liên tục lao dốc trong 2 phiên đầu tuần; và cổ phiếu y tế giảm do giới đầu tư quay trở lại bán tháo cổ phiếu công nghệ sinh học.
Chứng khoán Mỹ giảm do lo ngại rằng, tình trạng suy yếu của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo lùi đà phục hồi của Mỹ, từ đó kéo giảm khả năng Fed nâng lãi suất vào cuối năm nay.
Một trong những yếu tố lớn tác động đến hứng thú đầu tư vào chứng khoán tại Mỹ là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2015. Mới đây, ngân hàng lớn nhất Mỹ - JPMorgan cho biết, lợi nhuận quý III/2015 của ngân hàng tăng 22% nhờ kế hoạch cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn dự đoán, lợi nhuận của khối doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ giảm 7,2% trong quý III/2015, trong đó lợi nhuận của các doanh nghiệp năng lượng và vật liệu sẽ giảm mạnh nhất do đà lao dốc của giá hàng hóa.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng chịu tác động bởi số liệu kinh tế yếu ớt của Trung Quốc, bởi châu Âu là đối tác thương mại lớn của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Theo đó, FTSEurofirst 300 giảm 0,9% và Euro STOXX 50 gảm 0,8%.
Cổ phiếu tại châu Âu giảm một phần do kết quả khảo sát ZEW cho thấy, niềm tin của giới chuyên gia và đầu tư vào kinh tế Đức đã xuống mức thấp nhất 1 năm. Điều này chứng tỏ, liên minh đồng tiền chung sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế.
Ngoài ra tại châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm do giới đầu tư chốt lời và làn sóng bán tháo cổ phiếu năng lượng. Chỉ số Nikkei giảm 1,1%.
Với số liệu thương mại yếu ớt, cổ phiếu tại Trung Quốc lại tăng nhẹ với Shanghai Composite tăng 0,17% trong khi thị trường Hong Kong giảm điểm với Hang Seng giảm 0,6%.
Hiện tại, giới đầu tư tiếp tục theo dõi các báo cáo kinh tế của những nền kinh tế lớn trên thế giới, để xác định những rủi ro đối với kế hoạch nâng lãi suất của Fed.
Vinanet