Chứng khoán vùng Vịnh “hoảng hốt” vì Iran
Tất cả 7 thị trường chứng khoán vùng Vịnh cùng chứng kiến sự bán tháo đầy “hoảng loạn” của các nhà đầu tư...
- 17-01-2016Thoát lệnh trừng phạt, Iran chính thức trở lại thị trường dầu
- 17-01-2016Mỹ và Liên minh châu Âu chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran
Thị trường chứng khoán tại các quốc gia giàu dầu lửa ở vùng Vịnh đã lao dốc với tốc độ chóng mặt trong phiên giao dịch ngày 17/1, sau khi giá dầu thế giới tụt sâu và việc Iran được dỡ bỏ lệnh trừng phạt mở đường cho nước này đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô.
Ngày Chủ nhật là ngày giao dịch đầu tuần của chứng khoán vùng Vịnh theo lịch của người Hồi giáo. Phiên sụt giảm này của thị trường chứng khoán khu vực đi theo xu hướng sụt giảm mạnh của chứng khoán toàn cầu trước đó trong phiên ngày thứ Sáu - ngày mà chứng khoán vùng Vịnh đóng cửa nghỉ cuối tuần.
Vừa bước sang năm 2016, nhưng sự “bốc hơi” nhanh chóng của giá dầu đang đem tới những đám mây đen dày hơn che phủ nền kinh tế và thị trường chứng khoán vùng Vịnh. Chỉ từ đầu năm tới nay, giá của dầu thô - mặt hàng xuất khẩu đóng góp hơn 80% thu ngân sách của các chính phủ vùng Vịnh - đã giảm hơn 20%.
Trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước, giá dầu thô WTI ở New York còn hơn 29 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tại London còn chưa đầy 29 USD/thùng. So với giữa năm 2014, giá dầu thế giới đã giảm khoảng 75%.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm sâu chính là việc thế giới thừa dầu. Bởi vậy, sự trở lại của Iran trên thị trường dầu lửa quốc tế sẽ chỉ khiến tình trạng dư thừa dầu trở nên tồi tệ hơn, và triển vọng giá dầu càng thêm phần u ám.
Theo hãng tin Bloomberg, tất cả 7 thị trường chứng khoán vùng Vịnh cùng chứng kiến sự bán tháo đầy “hoảng loạn” của các nhà đầu tư trong phiên đầu tuần. Các chỉ số vì thế đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Chỉ số TASI của chứng khoán Saudi Arabia, thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới Arab, lao dốc 6,5% chỉ vài phút sau khi giao dịch bắt đầu, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011. Dẫn đầu sự giảm điểm của thị trường này là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 8%, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng mất 5,3%.
Từ đầu năm đến nay, TASI đã giảm 21,1%, lớn hơn mức giảm trong cả năm 2015.
Thị trường chứng khoán Qatar và Dubai cùng giảm 6% ngay sau khi mở cửa. Từ đầu năm, hai thị trường chứng khoán này đã giảm tương ứng 17% và 15%.
Chứng khoán Abu Dhabi sụt 4,3%, rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market - giảm 20% từ mức đỉnh gần nhất).
Chứng khoán Kuwait sụt 3,2%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004. Chứng khoán Oman giảm 1,5%, còn chứng khoán Bahrain giảm 0,3%.
Tổng giá trị vốn hóa của 7 thị trường chứng khoán vùng Vịnh đã mất hơn 130 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay, hiện còn khoảng 800 tỷ USD. Trước đó, cả 7 thị trường này cùng chốt năm 2015 với điểm số đi xuống, trong đó giảm mạnh nhất là chứng khoán Saudi Arabia, do tác động của giá dầu giảm.
“Nguồn cung dầu của Iran sẽ được đưa ra thị trường chỉ trong nay mai. Sự phục hồi của chứng khoán vùng Vịnh sẽ tùy thuộc vào việc giá dầu có thể trở lại ngưỡng 30 USD/thùng được hay không”, ông Nayal Khan, trưởng bộ phận khách hàng tổ chức tại công ty Saudi Fransi Capital, nhận định.
Theo ông Amir Hossein Zamaninia, Thứ trưởng Bộ Dầu lửa Iran, nước này đặt mục tiêu tăng ngay lập tức khối lượng xuất khẩu dầu thêm 500.000 thùng/ngày. Tiếp đó, sau vài tháng, nước này sẽ tiếp tục tăng mức xuất khẩu dầu thêm nửa triệu thùng/ngày.
VnEconomy