MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện bảo dưỡng đường sá ở Mỹ

23-04-2014 - 19:15 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều bang của nước Mỹ đang gặp khó khăn khi không có đủ ngân sách sửa chữa và nâng cấp đường sá.

Chỉ có những kẻ say xỉn mới lái xe theo đường thẳng ở Chicago. Những người tỉnh táo sẽ phải lái xe theo đường zig – zag để tránh ổ gà trên đường. Năm nay, những con đường ở Chicago ở trong tình trạng tồi tệ hơn bao giờ hết. Mặt đường được bao phủ bởi băng tuyết và sau đó là băng tan khi mùa xuân đến khiến tình hình tồi tệ hơn. Số lời phàn nàn từ người dân Chicago tăng gấp 3 lần so với bình thường.

Mùa đông qua đi và băng tan, những hố sâu trên đường lộ ra – đặc biệt là ở các bang thuộc miền Trung Tây vốn là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi “vòng xoáy Bắc cực”. Những bang còn đủ ngân sách mới đây đã chi ra khoản tiền khẩn cấp để sửa chữa đường, trong khi những bang không có tiền phải cắt giảm các chương trình chi tiêu cho mùa hè. Điều này có nghĩa là cỏ ở các công viên sẽ không được cắt xén và hoạt động trải nhựa lại cho đường cao tốc hay sửa chữa đường ray chống trật bánh sẽ bị hoãn lại.

Ở Mỹ, trông nom các con đường là một vấn đề khiến chính phủ phải đau đầu. Mặc dù mỗi năm nước Mỹ chi 91 tỷ USD cho việc này, từng đó là không đủ để đảm bảo 4,1 triệu dặm (tương đương 6,6 triệu km) đường sá luôn ở trong tình trạng tốt. Trong khi đó, theo ước tính của Cơ quan Quản lý ĐườngCao tốc Liên bang (Federal Highway Administration -FHWA), mỗi năm hoạt động này cần tới 170 tỷ USD vốn đầu tư. 

Năm ngoái, báo cáo từ một tập đoàn xây dựng cho thấy 32% các con đường chính của Mỹ đang ở trong điều kiện tồi tệ. Những con đường chính xuyên qua các thành phố là tệ nhất: trong năm 2013, gần một nửa đoạn đường đi qua các vùng đô thị liên bang là những con đường mấp mô. Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Ray LaHood cho rằng đường sá Mỹ đang xấu nhất từ trước tới nay.

Tiền đầu tư vào đường cao tốc đến từ hai nguồn chính: từ ngân sách chính phủ (địa phương và liên bang) và từ Quỹ tín thác đường cao tốc liên bang (HTF). HTF bỏ ra 46 tỷ USD mỗi năm và có nguồn thu từ loại thuế đánh vào xăng dầu (ở mức 18,4 cent/gallon). Tuy nhiên, nguồn thu đang sụt giảm bởi những người trẻ tuổi có xu hướng sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn và các loại xe đều sử dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Do các cử tri Mỹ chán ghét thuế năng lượng, loại thuế này đã không tăng lên kể từ năm 1993 tới nay và sức mua thì sụt giảm. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, loại thuế này chỉ còn ở mức 11,5 cent.  

Bộ Giao thông Mỹ cũng thừa nhận ngân sách dành cho đường cao tốc sẽ giảm xuống mức chưa đến 4 tỷ USD vào tháng 7 tới. Đây là mức tối thiểu để giúp các bang trang trải chi phí mỗi ngày. Sang năm, Quốc hội Mỹ phải bổ sung thêm 15 – 17 tỷ USD để quỹ này không bị phá sản. 

Chính phủ Mỹ có thể bơm thêm tiền vào đây (như đã làm trong quá khứ) hoặc tái cấp vốn bằng cách tăng thuế xăng dầu. Tuy nhiên, một khảo sát được thực hiện năm ngoái cho thấy hơn 60% người Mỹ phản đối tăng thuế cho dù lý do là gì đi nữa.

Các bang cũng có thuế của riêng họ và một số bang (như Michigan) đã có thể tăng nguồn thu ngân sách dành cho đường sá. Bang Massachusetts – cùng với Maryland và Wyoming – đã tăng thuế thành công. Bang Pennsylvania cũng đánh thuế lên các đại lý bán buôn xăng dầu. 

Tuy nhiên, các bang khác không thể làm như vậy. Nguyên nhân có thể là do họ có quá nhiều con đường trong khi không có nhiều người dân để đánh thuế, hoặc bởi vì họ đang gặp rắc rối về tài chính (như đảo Rhode). Trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 3 vừa qua, người phụ trách giao thông của bang này cho biết rất có thể đảo Rhode sẽ phải thu hẹp cơ sở hạ tầng. Còn bang Vermont thì cảnh báo các dự án bị hoãn có thể vĩnh viễn bị hủy bỏ.

Ở Arkansas, 10 dự án trị giá 60 triệu USD đã bị loại bỏ khỏi danh sách những dự án sẽ được cấp vốn trong tháng 4. Còn bang Colorado hoài nghi về dự án mở thêm làn cho đường cao tốc I-25 nối giữa Denver và Fort Collins. Dự án 1 tỷ USD này phải được chính quyền liên bang ủng hộ.

Một số bang tự hỏi việc thu phí có thể giúp huy động nguồn tiền cho đường mới hay không. 42 bang giờ đây đã có quyền thu phí. Đây cũng là cách làm ngày càng phổ biến để tài trợ cho các con đường mới. Tuy nhiên, sự phản đối của người dân đang đe dọa mô hình này trong một số trường hợp. Thêm vào đó, luật liên bang không cho phép thu phí trên những con đường liên bang đã tồn tại. 

Một số người cho rằng Mỹ cần vay mượn nhiều hơn nữa để trang trải chi phí cho cơ sở hạ tầng tốt hơn. Điều này đang diễn ra. Cây cầu Tappan Zee trị giá 3,9 tỷ USD bắc qua sông Hudson ở New York đang được tài trợ bằng trái phiếu. Số trái phiếu này sẽ được hoàn trả bằng phí qua cầu. Dự án đường cao tốc Bắc Tarrant ở bang Texas có tổng giá trị 2,5 tỷ USD, trong đó 531 triệu USD là đi vay từ quỹ liên bang. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên