MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có phải Mỹ chi 5 tỷ USD để gây bất ổn ở Ukraine?

24-04-2014 - 08:50 AM | Tài chính quốc tế

Mỹ công nhận đã chi 5 tỷ USD cho Ukraine và một số quốc gia khác từ năm 1992. Nhiều kết luận cho rằng số tiền này hỗ trợ cho các vụ biểu tình ở Kiev, dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Công bố với báo giới ngày 21/4 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu Victoria Nuland khẳng định rằng Washington đã chi đến 5 tỷ cho các hoạt động ở Ukraine. Theo lời bà, số tiền này dùng để giúp Kiev tìm kiếm “một chính phủ mạnh mẽ hơn, dân chủ hơn”.


5 tỷ USD không chỉ dành cho Maidan

Ngay sau công bố này, giới truyền thông thế giới đã đặt ra câu hỏi và nghi vấn về việc liệu có phải Mỹ đã chi số tiền khổng lồ đó cho các hoạt động gây bất ổn ở Ukraine trong suốt thời gian qua hay không? Đây là câu hỏi khó xác định ngay lập tức bởi không có một báo cáo chi tiết về số tiền hàng tỷ USD này được chi ra sao, vào những giai đoạn nào.

Đặt lại bối cảnh về tuyên bố của bà Nuland, đây không phải là lần đầu tiên Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói về số tiền này. Thông tin trên từng được bà Nuland đưa ra tại một cuộc hội thảo ở Ukraine hồi tháng 12/2013. Theo tờ CNN, bà Nuland đã khẳng định số tiền này không phải dành để hỗ trợ cho lực lượng Maidan tại Kiev. Bà Nuland cho biết, từ khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã chi 5 tỷ USD để hỗ trợ người dân Ukraine hướng tới nền dân chủ mạnh mẽ hơn.

5 tỷ USD, xét về con số là khá lớn. Với quãng thời gian hơn 20 năm để đầu tư cho các hoạt động thường niên của chính phủ Mỹ thì nó sẽ không “to tát” như giới chuyên gia vẫn nghĩ. Mỹ và các quốc gia lớn trên thế giới vẫn dành một số tiền lớn hàng năm để tiến hành các hoạt động, theo như chính phủ này nói, “ủng hộ dân chủ”.

Số tiền này “chảy” qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Cơ quan này có mặt hầu hết ở mọi quốc gia trên thế giới. Các khoản viện trợ không chính thức của Mỹ tới các quốc gia khác cũng đi qua đây, tới với các tổ chức phi chính phủ hoặc tới trực tiếp các chính phủ mà Washington đánh giá là “cần hỗ trợ”.

Trước những biến cố ở Kiev xảy ra nhiều năm về trước, một số nghiên cứu độc lập cũng đã đưa ra các con số mà Mỹ viện trợ cho một số quốc gia Đông Âu nhằm tìm kiếm ảnh hưởng. Bài viết “Cắt giảm hỗ trợ đang phá vỡ sự ảnh hưởng của Mỹ ở Ukraine” trên The Washington Post đăng tải ngày 7/2/2010 có đưa ra những con số cho thấy Nhà Trắng có hoạch định chính sách gây ảnh hưởng rõ ràng.

Theo đó, kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã không ngừng chi các khoản tiền lớn cho Ukraine. Thế nhưng, sau khi cuộc cách mạng Cam xảy ra ở Ukraine năm 2004 và bà Yulia Volodymyrivna Tymoshenko làm Thủ tướng, tư tưởng của Mỹ đã có phần thay đổi.

Số liệu Washington Post đưa ra cho biết: “Sự suy giảm (ảnh hưởng) phản ánh qua việc cắt viện trợ nói chung của Mỹ dành cho Ukraine, bao gồm cả các quỹ để bảo vệ các cơ sở hạt nhân, từ mức cao nhất 360 triệu USD năm 1998 xuống chỉ còn 210 triệu USD một thập kỷ sau đó, theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chính quyền Obama đã đề xuất tăng chi tiêu cho các chương trình dân chủ ở Ukraine thêm 26 triệu USD trong năm nay (2010)”.

Như vậy, giả thiết cho rằng Mỹ dùng toàn bộ số tiền khổng lồ nói trên cho biến cố ở Kiev hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay chưa hẳn là chính xác. Tuy nhiên, có thể một phần số tiền này đã được “rót” vào công cuộc chuẩn bị cho khủng hoảng Ukraine thời gian qua.

Ai đã giúp đỡ Maidan?

Ngay khi cuộc biểu tình của những người chống lại chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych biến thành bạo loạn, báo giới đã lập tức đưa ra những phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine có sự chuẩn bị kỹ càng trong rất nhiều năm.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov và Thủ tướng lâm thời Arseniy Yatsenyuk tại Kiev, Ukraine hôm 4/3/2014.

Theo giới truyền thông, để tổ chức được một cuộc biểu tình quy củ, đầy đủ lương thực, thực phẩm, đường truyền internet và các tiện nghi khác cho khoảng 100.000 người trong suốt hơn một tháng sẽ cần đến một lực lượng hậu cần khổng lồ. Ngoài ra, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị rất tốt trong một quãng thời gian nhất định.

Nếu theo Mỹ, đây là một cuộc biểu tình bộc phát thì không thể có được một hoạt động quy củ kéo dài suốt trong nhiều tháng đến như vậy. Đến nay, lực lượng Maidan ở Kiev thậm chí chưa hoàn toàn giải tán và đóng trại lẻ tẻ xung quanh Quảng trường Độc lập.

Một số dư luận cho biết, lực lượng Maidan đã thu thập sự hỗ trợ từ phía người dân Kiev, bao gồm quyên góp tiền mặt cũng như đề nghị được cung cấp thực phẩm. Tuy vậy, xét về quy mô và tính “chuyên nghiệp” trong bạo loạn ở Kiev hồi tháng Hai, nghi vấn có sự hỗ trợ không nhỏ của Mỹ là khó dập tắt.

Thêm vào đó, Cựu sỹ quan tình báo Mỹ Scott Rickardcũng từng đưa ra một công bố gây sốc cách đây vài tháng. Tờ PressTV trích dẫn lời của ông Rickard hồi tháng Ba cho biết “Không ai khác mà chính phương Tây đã đạo diễn “cuộc khởi nghĩa” ở Kiev”. Theo ông này, mọi biến cố ở Ukraine đều có bàn tay sắp xếp của Mỹ và đồng minh ở châu Âu, nhằm tạo ảnh hưởng về kinh tế và địa chính trị ở quốc gia Đông Âu này.

Ông Scott Rickard cũngkhẳng địnhchính quyền Mỹ đã chi khoản tiền 5 tỷ USD cho các chiến dịch mà họ gọi là “Dự án cam", chủ yếu được hỗ trợ bởi nhà sáng lập mạng dịch vụ Ebay Pierre Omidyar, chuyên gia tài chính và nhà đầu tư người Mỹ George Soros.

Đến nay, mọi nghi vấn vẫn chỉ là nghi vấn. Bởi không hề có một tài liệu nào khẳng định được việc Mỹ đã chi bao nhiêu tiền cho Ukraine hay đã chi như thế nào cho các cuộc biểu tình của Maidan. Tuy nhiên, những sự kiện đã xảy ra trong thời gian qua ở Ukraine cũng khẳng định phần nào về “bàn tay của Mỹ và phương Tây” trong biến cố ở Kiev.

Có một điều chắc chắn là các quốc gia phương Tây đã không thể lường được những tính toán của mình lại xoay chiều như hiện nay. Và họ đang đau đầu để tìm cách giải quyết cả bài toán lợi ích cũng như uy tín của mình đối với phần còn lại của thế giới.

Theo Minh Thu

huongnt

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên