MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cơn ác mộng” của Tony Fernandes

29-12-2014 - 14:50 PM | Tài chính quốc tế

Với sự kiện máy bay QZ8501 mất tích đã hơn 1 ngày qua mà chưa có bất kỳ dấu vết nào, Fernandes đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp.

Ước mơ từ khi còn là một đứa trẻ, cảm hứng từ tỷ phú người Anh Richard Branson và thương vụ mua lại hãng hàng không đang thua lỗ với giá 1 ringgit đã giúp doanh nhân người Malaysia Tony Fernandes trở thành ông chủ của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á.

Sinh năm 1964 tại Kuala Lumpur, Fernandes học về kinh tế tại trường Kinh doanh London. Giống như Richard Branson, ông cũng khởi nghiệp ở ngành âm nhạc và làm việc cho Virgin Records sau khi tốt nghiệp. 

Năm 2001, ở tuổi 37, ông rẽ sang ngành hàng không khi thâu tóm AirAsia – vốn là một hãng hàng không thuộc sở hữu của nhà nước đang gánh trên vai khoản nợ 11 triệu USD – với giá 1 ringgit. Theo Forbes, tính đến tháng 2/2014, ông đã có tài sản trị giá khoảng 650 triệu USD.

AirAsia của Fernandes có những điểm giống với hãng hàng không giá rẻ Virgin America của Branson ở màu sắc đỏ và trắng trên logo. Tuy nhiên, cảm hứng lớn nhất của AirAsia là sự bùng nổ của hàng không giá rẻ đã thay đổi hoàn toàn bản đồ bay của châu Âu. Hãng nhanh chóng lớn mạnh và chỉ sau 1 thập kỷ, AirAsia đã chuyên chở 30 triệu khách mỗi năm.

Fernandes luôn nói thực ra thời điểm ông mua lại AirAsia là hoàn hảo. Sau thảm họa khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ, chi phí thuê máy bay giảm tới 40%. Đồng thời, các hãng hàng không cắt giảm nhân sự mạnh khiến AirAsia có thể dễ dàng tuyển dụng được những nhân viên giàu kinh nghiệm với chi phí không quá cao. 

Ông cũng tin rằng người Malaysia sẽ yêu thích dịch vụ giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Theo ước tính, 50% những người đi máy bay giá rẻ ở châu Á là người lần đầu tiên đi máy bay. Trước khi AirAsia ra đời, ông ước tính rằng chỉ có 6% người Malaysia từng đi máy bay. 

Với sự kiện máy bay QZ8501 mất tích đã hơn 1 ngày qua mà chưa có bất kỳ dấu vết nào, Fernandes đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp. “Là CEO của AirAsia, tôi sẽ luôn ở bên cạnh các bạn và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này”. Ông gọi đây là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” trong cuộc đời ông. 

Fernandes đã ngay lập tức tới Indonesia sau khi xảy ra sự cố và liên tục cập nhật trạng thái trên tài khoản Twitter của ông, cầu nguyện một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Có thể ví sự kiện như một đòn giáng mạnh vào doanh nhân đã gắn liền với sự nổi lên của một trong những công ty hùng mạnh nhất ở châu Á.


Tú Anh

huongnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên