MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc lột xác của ngành công nghiệp Ba Lan

14-08-2014 - 19:12 PM | Tài chính quốc tế

Ba Lan khéo léo thay thế những ngành công nghiệp truyền thống đang suy thoái bằng dịch vụ outsourcing, làm nhà thầu cho các công ty phương Tây và các trung tâm nghiên cứu.

Ba Lan  hiện đang ở trong giai đoạn thịnh vượng nhất kể từ thời vua Jagiellonian - khi Ba Lan là một trong những nước lớn nhất, giàu nhất và mạnh nhất Châu Âu. Tuy nhiên, song song với đó vẫn là những thử thách như bẫy thu nhập trung bình, tỷ lệ sinh thấp …. Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc chùm bài viết về đất nước Ba Lan được lược dịch từ báo cáo đặc biệt của The Economist.

“Có thể trong 20 năm tới, ngành đóng tàu sẽ không còn tồn tại ở Ba Lan”, Krzysztof Kulczycki – một trong những chủ sở hữu của công ty đóng tàu Crist – nói. Crist là một công ty đóng tàu có trụ sở ở Gdynia – thành phố nằm ở phía Bắc Ba Lan, bên bờ biển Baltic. Đối mặt với sự cạnh tranh từ phương Đông, nhiều xưởng đóng tàu vốn là niềm tự hào của Gdynia đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Crist vẫn có lợi nhuận nhưng phần lớn là nhờ vào Crist Offshore - công ty con sản xuất các turbine gió ngoài khơi và các giàn khoan dầu.

Khung cảnh ở thành phố láng giềng Gdansk thậm chí còn ảm đạm hơn. Công ty đóng tàu lừng danh Gdansk đã suy giảm trong suốt hơn 2 thập kỷ. Lý do duy nhất để công ty này vẫn còn tồn tại đến ngày nay cũng chính là vị thế của nó: chính phủ không muốn công ty này phá sản. 

Từng có tới 17.000 nhân công, hiện giờ Gdansk chỉ còn lại gần 1.000 công nhân. Hầu hết các tòa nhà đều trống rỗng, nằm trong khu vực đất công nghiệp bị bỏ hoang gần với trung tâm thành phố. Năm 2007, 3/4 các công ty đóng tàu ở Gdansk được Sergei Taruta mua lại. Nhân vật này là ông chủ của Nghiệp đoàn công nghiệp Donbas (một tập đoàn công nghiệp) và cũng là tỉnh trưởng của tỉnh miền Đông Ukraine Donetsk. Phần còn lại vẫn thuộc sở hữu của nhà nước.

Có lẽ Taruta đã mong đợi rằng chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty đóng tàu vốn đang chật vật với những khoản nợ cũ và một thị trường khắc nghiệt. Adam Zaczeniuk, một quản lý cấp cao của công ty này hi vọng rằng hãng có thể tránh được tình trạng vỡ nợ lần thứ 4 trong lịch sử. 

Thế nhưng, một số ngành kinh doanh có liên quan đến công nghiệp đóng tàu lại phát triển khá tốt ở Gdansk, ví dụ như Sunreef Yachts – công ty chuyên sản xuất những chiếc thuyền gỗ xa xỉ với giá từ 4 triệu USD trở lên. Năm 2014 là năm mà Sunreef Yachts có kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử 11 năm. Cảng container DCT Gdansk (được xây dựng từ năm 2007 và thuộc sở hữu của quỹ Macquaire đến từ nước Úc) cũng có 1 năm thuận buồm xuôi gió. Là cảng nước sâu duy nhất ở biển Baltic, DCT Gdansk đang có kế hoạch tăng gấp đôi công suất.  
Trong bối cảnh ngành công nghiệp truyền thống ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, Gdansk đã “tái sinh” và trở thành trung tâm của một ngành công nghiệp khác khá mới mẻ: cung cấp dịch vụ thuê ngoài (outsourcing). 

Trong những năm 1990, khi các công ty Tây Âu đang tìm cách cải tiến các hoạt động hỗ trợ phía sau (back office) và hoạt động có liên quan đến công nghệ thông tin theo hướng tốn ít chi phí hơn và hiệu quả hơn, Gdansk trở thành nơi cung cấp dịch vụ phù hợp. Mặc dù quy mô ở đây nhỏ bé hơn nhiều so với Ấn Độ (nơi khởi nguồn của làn sóng outsourcing), đây là một trong những vùng phát triển nhanh nhất trong khu vực. 

Theo số liệu từ McKinsey, số người làm việc trong ngành outsourcing ở Ba Lan tương đương tổng số người làm việc trong ngành này ở các nước Bulgaria, Croatia, cộng hòa Czech, Hungary, Romania, Slovakia và Slovenia cộng lại. Có nhiều nhân tố giúp outsourcing phát triển ở Ba Lan: sự trợ giúp của chính phủ (cả ở cấp địa phương và trung ương), quy mô dân số, chất lượng giáo dục và mức lương thấp hơn so với Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary. 

Mức tiền lương thấp trong khi lao động có phẩm chất tốt (cả lao động có kỹ năng và không có kỹ năng) cũng là những yếu tố đứng sau sự phát triển mạnh mẽ của một ngành công nghiệp khác ở Ba Lan: thầu lại hợp đồng của các công ty châu Âu, đặc biệt là Đức. Nhà máy của Volkswagen ở Poznan có 6.900 lao động, sản xuất ra 155.000 chiếc xe mỗi năm. Tập đoàn MAN của Đức cũng có 3 nhà máy sản xuất xe tải hạng nặng và xe buýt ở Ba Lan. Hãng thời trang Hugo Boss sản xuất giày ở Radom (miền Trung Ba Lan). Nhờ có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Đức, Ba Lan có xuất khẩu rất phát triển, đóng góp tới 46% GDP. 

Outsourcing tạo nên công ăn việc làm cho 120.000 người, tương đương với số việc làm mà một ngành công nghiệp truyền thống khác đang suy giảm - khai thác mỏ - tạo ra. Khoảng 90% điện của Ba Lan được sản xuất từ than đá và than nâu, nhưng bởi vì than đá của Ba Lan có chất lượng cao và giá thành khá đắt, các nhà máy điện chọn nhập khẩu than từ nước ngoài (chủ yếu là Nga). Một vài năm gần đây, Ba Lan đã trở thành nước nhập khẩu than bất chấp hàng triệu tấn than được khai thác ở Ba Lan đang ứ đọng trong kho vì không bán được. 

Kompania Weglowa (KW), công ty trực thuộc nhà nước hoạt động ở miền Nam Ba Lan, là công ty khai thác than lớn nhất châu Âu. Với 56.000 thợ mỏ, đây là công ty có nhiều lao động nhất sau các ngành bưu điện và đường sắt – những ngành đang xuống dốc. Năm ngoái, công ty này ghi nhận số lỗ kỷ lục hơn 1 tỷ zloty (tương đương 315 triệu USD). Đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ các công đoàn, KW đưa ra kế hoạch đến năm 2020 sẽ cắt giảm gần 1/3 lực lượng lao động, sáp nhập và bán một số mỏ cũng như cắt giảm phúc lợi dành cho người lao động. 

Trụ sở của KW nằm ở Katowice – thành phố 300.00 dân nằm ở Silesia. Trong những năm 1990, thành phố này vẫn có 2 mỏ than đang hoạt động ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, từ năm 1994 đến 2002, 2 mỏ này cùng với 2 nhà máy thép phải đóng cửa. Tỷ lệ thất nghiệp của thành phố lên đến 8,4%.

Katowice cũng đang chuyển sang ngành outsourcing. Khoảng 12.000 người dân trong và ngoài thành phố đang làm việc trong ngành này. Con số được dự báo sẽ tăng lên mức 15.000 người vào cuối năm nay. Katowice có tổng cộng 56 trung tâm cung cấp đầy đủ các dịch vụ, từ IT cho tới chăm sóc khách hàng hay công việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Phần lớn trong số này thuộc sở hữu của các công ty Mỹ. Phần còn lại thuộc về Ba Lan, Anh và Pháp. Họ bị hấp dẫn bởi nguồn nhân lực dồi dào (115.000 sinh viên), cơ sở hạ tầng giao thông, chi phí nhân công và đặc biệt là giá thuê văn phòng rẻ. 

Văn hóa là một phần khác trong tương lai của Katowice. Thành phố bỏ ra 75 triệu euro để xây dựng một nhà hát mới, sửa chữa lại bảo tàng và trung tâm hội nghị quốc tế. Theo một nghiên cứu được hãng kiểm toán PWC thực hiện tại các thành phố lớn nhất của Ba Lan, mặc dù nhìn chung Katowice được đánh giá là thành phố có nền kinh tế lạc hậu, môi trường bị hủy hoại và chất lượng cuộc sống, trên thực tế thì chất lượng cuộc sống ở Katowice thậm chí còn tốt hơn cả ở thủ đô Warsaw và Krakow.

Wroclaw thường được biết đến là địa danh tiêu biểu cho quá trình chuyển đổi thành công của Ba Lan. Ai cũng yêu mến thành phố nằm bên bờ sông Odra bởi 12 hòn đảo và 130 cây cầu cùng lối kiến trúc Gothic và Baroque đặc trưng. 

Wroclaw muốn trở thành một trung tâm R&D. Nhà sản xuất đồ gia dụng Whirlpool của Mỹ, công ty sản xuất cảm biến Balluf của Đức và công ty sản xuất màng bọc công nghiệp PPG của Mỹ đã thành lập các trung tâm R&D ở đây. 

Điều kiện còn thuận lợi hơn sau khi EIT+, một trung tâm nghiên cứu có quy mô hoành tráng mới được xây dựng, chính thức đi vào hoạt động. EIT+ đang cố gắng thúc đẩy sáng tạo bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Được EU rót tiền, trung tâm này chuyên nghiên cứu về công nghệ nano và công nghệ sinh học. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên