MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đám mây khủng hoảng tài chính bao phủ Trung Quốc

24-06-2013 - 12:20 PM | Tài chính quốc tế

Đà tăng đột ngột của Shibor làm dấy lên nỗi lo ngại hệ thống ngân hàng Trung Quốc mong manh dễ vỡ hơn so với những gì Bắc Kinh thường nghĩ.

Sau khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke tuyên bố Fed sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu trên diện rộng, các thị trường trên toàn cầu đồng loạt rơi vào trạng thái hỗn loạn. Lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải (Shibor) đột ngột tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Là mức lãi suất thể hiện độ sẵn sàng của các ngân hàng trong việc cho ngân hàng khác vay tiền, đà tăng đột ngột của Shibor làm dấy lên nỗi lo ngại hệ thống ngân hàng Trung Quốc mong manh dễ vỡ hơn so với những gì Bắc Kinh thường nghĩ. 

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ cho đến nay nợ trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc là bao nhiêu vẫn là một câu hỏi không có câu trả lời chính xác. Điều này dẫn đến tình trạng lo sợ một bong bóng tín dụng khổng lồ đang chuẩn bị vỡ tung. Nếu như điều đó là đúng, hậu quả sẽ rất khủng khiếp. 

Câu hỏi về sức khỏe của hệ thống ngân hàng Trung Quốc tập trung ở hai vấn đề: liệu có phải các định chế tài chính đã thực hiện quá nhiều khoản nợ trong thời gian quá nhanh? Liệu có phải đà suy giảm của nền kinh tế sẽ khiến các con nợ không thể có lãi từ những đồng vốn đi vay? Hầu hết tăng trưởng kinh tế của các địa phương ở Trung Quốc được đảm bảo bằng xu hướng tăng giá của thị trường bất động sản. Nếu như giá bắt đầu giảm, ngân hàng sụp đổ là điều không cần bàn cãi. Đây là kịch bản không khác gì so với khủng hoảng tài chính năm 2008 ở Mỹ. 

Hãy quan sát biểu đồ thể hiện biến động của lãi suất Shibor được Barclays thống kê: 

 
Charlene Chu, chuyên gia cao cấp chuyên phân tích về kinh tế Trung Quốc tại Fitch, vừa công bố một báo cáo đánh giá. Theo tính toán của bà, trong khoảng 10 ngày cuối của tháng 6, các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các nghĩa vụ trị giá gần 250 tỷ USD có liên quan đến các sản phẩm quản lý tài sản. Vì các ngân hàng Trung Quốc không sẵn sàng cho vay lẫn nhau, họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi cố gắng đáp ứng các nghĩa vụ này. Chu ước tính các sản phẩm quản lý tài sản có thể có tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ USD, và bởi chúng là những tài sản ngắn hạn, các ngân hàng Trung Quốc sẽ thiếu vốn ngắn hạn trầm trọng – kịch bản giống với vụ Bear Stearns sụp đổ năm 2008. 

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất chịu áp lực đè nặng lên nền kinh tế. Quyết định thu hẹp chương trình kích thích trên diện rộng của Bernanke có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm đối mặt với tình trạng cạn kiệt thanh khoản. Theo chân Fed, các nền kinh tế phát triển đang ngập chìm trong tiền mặt, tạo nên những bước đột phá về kinh tế ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Chương trình kích thích kinh tế chấm dứt có thể là dấu hiệu báo trước cho làn sóng vốn đầu tư ồ ạt bị rút khỏi các nền kinh tế đang phát triển để quay trở về giúp các nền kinh tế phương Tây hồi sinh. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tuần vừa qua, cả thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đều bị thiệt hại. 

Đây có thể là những tin rất xấu cho các ngân hàng Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, sự hoài nghi về phép màu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã lập luận rằng các địa phương của nước này đã nợ quá nhiều và để ở các khoản đầu tư ở ngoài sổ sách chính thức. Kết quả là, chẳng ai thực sự biết Trung Quốc nợ bao nhiêu để đạt được tốc độ tăng trưởng như vũ bão trong suốt thập kỷ vừa qua. Trong khi Bernanke quyết định sẽ dừng lại từ từ bởi ông tin rằng cuối cùng thì kinh tế Mỹ đang bắt đầu phục hồi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn đạo cố gắng tìm cách giữ cho nền kinh tế tăng trưởng. 

Và, thông tin các ngân hàng Trung Quốc ngày càng lưỡng lự trong việc cho vay lẫn nhau chỉ đang “góp thêm những đám mây giông” trên bầu trời không mấy sáng sủa. 

Thu Hương

huongnt

Foreign Policy

Trở lên trên