Đàm phán TPP gặp trở ngại vì vấn đề thao túng tiền tệ
Các nghị sĩ Mỹ yêu cầu Tổng thống Obama phải đặt vấn đề thao túng tiền tệ lên bàn đàm phán TPP.
- 22-09-2013Đàm phán TPP: Mỹ đã bật đèn xanh cho Trung Quốc?
- 24-09-2012Vì sao Trung Quốc chưa tham gia TPP?
60/100 nghị sĩ ở Thượng viện Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama đưa vấn đề “thao túng tiền tệ” ra bàn bạc tại các cuộc thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) với 12 quốc gia Thái Bình Dương. Đây có thể là một rào cản lớn trong bối cảnh công cuộc đàm phán đã đi đến những giai đoạn cuối.
Hôm qua (24/9), một nhóm gồm 60 Thượng nghị sĩ (trong đó có cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ) đã gửi một lá thư tới Đại sứ thương mại Hoa Kỳ Mike Froman và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, yêu cầu họ hãy “đấu tranh” cho các biện pháp điều chỉnh tiền tệ trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP cũng như các hiệp định thương mại khác trong tương lai.
Mặc dù không trực tiếp biệt ám chỉ đến Nhật Bản, bức thư này cho thấy đồi Capitol cũng như các nhà sản xuất của nước Mỹ (đặc biệt là các công ty sản xuất xe hơi) đang rất giận dự trước sự mất giá của đồng yên dưới chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
“Thao túng tiền tệ có thể đảo ngược hoặc làm giảm đáng kể những lợi ích có được từ hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là làm xói mòn những ảnh hưởng tác động lên các công ty và người lao động Mỹ“, bức thư có đoạn. Bức thư này được thực hiện với sự dẫn dắt chủ yếu bởi Debbie Stabenow (nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ bang Michiga) và Lindsey Graham (nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ Nam Carolina).
“Chúng tôi yêu cầu ngài Tổng thống hãy bổ sung các quy định nghiêm ngặt về thao túng tiền tệ vào quy trình đàm phán [không chỉ riêng TPP mà còn cả đối với các hiệp định sau này] để đảm bảo chắc chắn rằng các hiệp định sẽ phù hợp với các tiêu chuẩn của nước Mỹ, của các công ty Mỹ và của người lao động Mỹ”.
Từ trước đến nay, chính quyền của ông Obama vẫn luôn từ chối đưa vấn đề tiền tệ lên bàn đàm phán TPP, bất chấp một lá thư tương tự cũng được Thượng viện gửi đến ông hồi tháng 6 vừa qua.
Nếu Mỹ hành động theo những áp lực từ phía Quốc hội, động thái này sẽ khiến Nhật Bản thất vọng và khiến quá trình đàm phán gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch, các bộ trưởng thương mại và nhà đàm phán từ 12 nước Thái Bình Dương (bao gồm Mexico, Australia, Canada, Chile và Việt Nam) sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm nay.
Trong khi đó, nếu Mỹ kiên quyết đưa các điều kiện về chính sách vào TPP, nước này cũng sẽ vấp phải nhiều chỉ trích về động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang.
Trong suốt thập kỷ vừa qua, cơn giận dữ của Quốc hội Mỹ đối với vấn đề thao túng tiền tệ vẫn nóng lên và hạ nhiệt theo tình hình quản lý đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Cả Hạ viện và Thượng Viện đều cố gắng nhưng không thể buộc chính quyền của cựu Tổng thống Bush và đến bây giờ là ông Obama gán cho Trung Quốc cái mác “kẻ thao túng tiền tệ”. Trong mấy năm gần đây, Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản trở thành những đối tượng mới để các nghị sĩ công kích.
Tuy nhiên, lá thư lần này của Thượng viện là đáng chú ý bởi nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng và trong đó có những nhân vật cấp cao có tầm ảnh hưởng lớn. Có thể kể đến một vài cái tên như Chuck Schumer và Dick Durbin (thành viên của nhóm lãnh đạo Dân chủ ở Thượng viện), Rob Portman (thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Ohio từng giữ vai trò chủ chốt dưới thời Bush).
Thiên Bình