Đằng sau chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc
Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch chống tham những lớn nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây.
Bloomberg cho rằng Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình – người vừa nhậm chức cách đây chưa đầy 2 năm – đang củng cố những vị trí then chốt hình thành nên thế hệ lãnh đạo tiếp theo thông qua chiến dịch chống tham những lớn nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây.
Ngoài sự kiện đang gây nhiều chú ý trên truyền thông nhà nước Trung Quốc là Thượng tướng Từ Tài hậu bị bắt giữ, giới phân tích cũng chú ý đến hai động thái bổ nhiệm nhân sự mới của chính phủ Trung Quốc. Cơ quan hoạch định chính sách kinh tế có phó ban mới là Hà Lập Phong trong khi Ying Yong được bổ nhiệm làm phó bí thư trung tâm tài chính Thượng Hải.
Động thái bổ nhiệm hai nhân sự từng là đồng nghiệp cũ của ông Tập là những ví dụ mới nhất về điều thường thấy trong nền chính trị Trung Quốc. Đội ngũ lãnh đạo cao nhất sẽ phục vụ trong tối đa 10 năm, xen giữa là đợt thay đổi lớn sau 5 năm và đây là thời điểm để đưa vào những nhân tố mới sẽ phục vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu có nhiều người thân cận được bổ nhiệm trước năm 2017, ông Tập sẽ giữ được tầm ảnh hưởng sau khi về hưu.
Ông Tập lên nhậm chức trong bối cảnh chính trường Trung Quốc rung chuyển bởi bê bối chính trị lớn nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Đỉnh cao của bê bối là “ngôi sao đang lên” Bạc Hy Lai “ngã ngựa”. Gần đây một mắt xích quan trọng khác là cựu Ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt.
(Xem thêm: Scandal Bạc Hy Lai đã chấm dứt?)
Những người thân cận với Chu cũng bị điều tra. Ít nhất 7 người đã bị hạ bệ, trong đó có người từng là thư ký của Chu Vĩnh Khang, phó bí thư tỉnh Hải Nam và một người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Nhân vật mới nhất là Từ Tài Hậu – cựu Phó Chủ tịch Ban quân ủy Trung ương – bị khai trừ khỏi đảng vì tội nhận hối lộ hôm 30/6. Ông này trở thành quan chức cấp cao nhất trong quân đội bị buộc tội tham nhũng trong hơn 6 thập kỷ.
Theo Jean-Pierre Cabestan – giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Baptist Hồng Kông, chiến dịch chống tham nhũng là “một mũi tên trúng ba đích”: củng cố quyền lực của ông Tập, củng cố hình ảnh của Đảng cộng sản Trung Quốc trước công chúng và dẹp bỏ những sự kháng cự chống lại cuộc cải tổ chính sách được thiết kế với mục đích vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Đại hội Đảng Trung Quốc diễn ra năm 2017 là đại hội lần thứ 19 với tất cả 7 thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị ngoại trừ Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ nghỉ hưu. 6 trong số 18 người còn lại trong Bộ Chính trị cũng sẽ nghỉ hưu sau đó.
Những người tiền nhiệm của ông Tập đã chịu nhiều ảnh hưởng của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân – người đã bổ nhiệm nhiều nhân vật thân cận vào các vị trí cấp cao trước khi rời khỏi vị trí Chủ tịch năm 2002. Ông còn giữ vị trí người đứng đầu quân đội trong 2 năm sau đó.
Giới phân tích nhận định rằng việc bổ nhiệm Ying Yong làm phó bí thư Thượng Hải là dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Giang Trạch Dân đang phai nhạt đi và ông Tập đang củng cố quyền lực. Thượng Hải là nơi ông Giang đã phát triển sự nghiệp trước khi về trung ương. Ông Tập làm việc với Ying khi làm bí thư Chiết Giang từ năm 2002 đến 2007.
Joseph Cheng, giáo sư đến từ ĐH Hồng Kông, cho rằng tại đại hội đảng lần tới, Tập Cận Bình sẽ có được sự ủng hộ của Bộ Chính trị và dĩ nhiên là ông sẽ hi vọng có thể gây ảnh hưởng tới thế hệ lãnh đạo tiếp theo.
Hồ Lập Phong (59 tuổi) vừa trở thành phó ban Cải cách và Phát triển quốc gia và là đồng nghiệp lâu năm của ông Tập. Cả hai đã làm việc với nhau suốt 15 năm ở Phúc Kiến trong những năm 1980.
Có thể kể đến một vài cái tên khác mới được thăng chức như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đinh Tiết Tường. Đinh từng là thư ký của ông Tập năm 2007. Hoàng Khôn Minh từng làm việc với ông Tập ở Phúc Kiến và Chiết Giang cũng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Truyền thông hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, một “điểm yếu” trong đội ngũ thân cận của ông Tập là thiếu vắng những người trẻ tuổi tài năng và sinh ra trong gia đình có truyền thống. Người được cho là có nhiều khả năng kế nhiệm Tập Cận Bình nhất là Hồ Xuân Hoa. 51 tuổi, đây là nhân vật trẻ thứ hai trong Bộ Chính trị, là bí thư Quảng Đông – tỉnh lớn thứ 2 Trung Quốc về sức mạnh kinh tế.
(Xem thêm: Chú ngựa ô trên chiến trường Trung Quốc)
Cùng với Tôn Chính Tài, Uông Dương và Lý Nguyên Triều, đây là các nhân vật có nhiều khả năng lọt vào Ban thường vụ Bộ Chính trị trong năm 2017. 50 tuổi, Tôn Chính Tài hiện là bí thư Trùng Khánh trong khi Uông Dương (59 tuổi) là Phó Thủ tướng. Lý Nguyên Triều (63 tuổi) là phó Chủ tịch nước.
Giới phân tích cho rằng độ sâu và rộng của chiến dịch chống tham nhũng cho phép ông Tập có cơ hội bổ nhiệm người thân cận vào đủ các vị trí trong đảng, chính phủ, quân đội và doanh nghiệp nhà nước.
Khoảng 30 quan chức cấp cao từ cấp thứ trưởng trở lên ở 31 tỉnh thành đã bị điều tra, buộc tội hoặc khai trừ khỏi đảng kể từ tháng 12/2012, theo Tân hoa xã.
Thu Hương