“Đặt chân vào đây, đừng nghĩ đến chuyện vui vẻ"
“Được cái chúng tôi ai cũng giàu sụ, thế nên làm việc cũng có lợi đấy chứ,” CEO Ivan Glasenberg của Glencore Xtrata trả lời phỏng vấn trên Wall Street Journal.
- 26-04-2011Ivan Glasenberg – bá chủ đế chế khai mỏ
Hầu như ai cũng coi cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một mục tiêu đáng mơ ước, kể cả các ông Tổng giám đốc. Và ngày càng nhiều người nghĩ có thời gian rời khỏi bàn làm việc để ở bên gia đình sẽ giúp nhân viên cống hiến tốt hơn.
Nhưng Tổng giám đốc Ivan Glasenberg của tập đoàn khai mỏ và buôn bán hàng hóa cơ bản khổng lồ Glencore Xtrata lại muốn nhân viên liên tục làm việc và cạnh tranh ác liệt.
Tờ Thời báo Phố Wall vừa hỏi vị CEO 57 tuổi này liệu công ty ông có cái gọi là cân bằng công việc – cuộc sống không.
Ông này đáp: “Không. Chúng tôi làm việc. Bước vào công ty này thì đừng có nghĩ đến chuyện vui vẻ. Được cái chúng tôi ai cũng giàu sụ, thế nên làm việc cũng có lợi đấy chứ.”
Không có sông với biển gì hết
Giữa cái thời cuối tuần được dùng để ‘teambuilding’, trong tuần chỉ làm 35h và trong văn phòng luôn có bóng bàn, thật hiếm có một công ty đại chúng nào lại lấy tinh thần làm việc 24/7 kiểu cổ điển ra để chào mời cổ đông.
“Tôi đã trải qua hai thế hệ lãnh đạo [các bộ phận giao dịch]. Không có ông sếp nào lại không bị cấp dưới lật.” |
“Tôi có nói với nhà đầu tư, cứ đến mà gặp nhân viên của tôi, nếu anh nghĩ cậu nào đang định ra biển nằm ườn hóng gió thì báo ngay cho tôi biết,” Ivan Glansenberg nói. “Không có sông với biển gì hết!”
Chính Glasenberg cũng không phải ngoại lệ. Ông nói nếu bản thân không nêu gương, cấp dưới sẽ ‘đi đêm’ với hội đồng quản trị và tống cổ ông ra đường, vì chính họ cũng là cổ đông.
Ở Glencore, ai đi chậm lại là mất việc lập tức. “Tôi đã trải qua hai thế hệ lãnh đạo [các bộ phận giao dịch]. Không có ông sếp nào lại không bị cấp dưới lật.”
“Chính mắt tôi trông thấy chuyện đó,” Glasenberg nói với Thời báo Phố Wall. “Tự dưng có người nghĩ: ‘Mình muốn thư giãn một chút, muốn có thêm chút thời gian với gia đình’ … thế là có kẻ xử lý hắn ngay.”
Ivan Glasenberg lên giữ chức CEO của Glencore kể tử năm 2002 nhờ sự tín nhiệm bầu chọn của khoảng 300 nhân viên có sở hữu cổ phiếu vào thời điểm đó. Ông nhấn mạnh mình sẽ làm cho văn hóa này thấm nhuần sâu sắc tại công ty khai mỏ Xstata.
Trong thập niên vừa qua, Glencore đã mua lại vô số mỏ khoáng sản. “Tôi nghĩ nên tích hợp nền văn hóa làm việc không ngừng nghỉ của giới thương buôn vào ngành quản lý tài sản, đó sẽ là sự kết hợp tuyệt vời. Và thực sự thì chúng tôi đã làm rồi,” ông nói.
Dù vậy, không phải cái gì cũng giống nhau. Lên lịch đào mỏ, điều hành một đội xe tải siêu trọng hay làm những công việc điển hình khác ở một khu mỏ nghĩ là phải ít di chuyển mà kiếm được cũng ít hơn so với một thương buôn bay khắp nơi trên chiếc phản lực và làm trung gian cho những lô cà phê, đường và than trị giá hàng triệu đôla.
Đừng ganh tỵ
CEO Glasenberg nói thợ mỏ chẳng có gì phải ganh tỵ với mức lương 7-8 con số của một môi giới (tức hàng triệu, tới hàng chục triệu đôla).
“Muốn làm môi giới chứ gì, nhảy vào mà làm,” ông nói. “Cửa lúc nào cũng mở. Nếu muốn 6 ngày một tuần ngồi trên máy bay, nếu muốn đi khắp thế giới thì cứ việc. Tôi kiếm nhiều hơn anh, đúng, tới mà làm việc của tôi đây này. Xin đấy, lúc nào cũng đón chào.”
Văn hóa làm việc cạnh tranh không ngừng nghỉ ấy không phải chuyện hiếm ở các công ty giao dịch. Nhưng cái cách Glasenberg miêu tả nó có cái gì đó hơi cực đoan.
Hơn nữa, vụ sáp nhập trị giá 66 tỷ USD giữa Glencore (công ty Glansenberg từng nhiều năm làm CEO) với đại gia khai mỏ Xtrata mới vừa kết thúc hồi cuối tuần trước sau một chuỗi những vụ thương thảo căng thẳng với các cổ đông.
Chưa tính tới chuyện khác biệt văn hóa thì việc đưa hai công ty khác nhau về chung sống dưới một mái nhà đã đủ khó khăn rồi. Có lẽ khả năng đuổi việc hàng loạt sẽ không khiến nhân viên hai công ty này cảm thấy dễ chịu gì.
Linh Bê